Xả lũ hồ Kẻ Gỗ theo phương án. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Để chủ động ứng phó mưa lũ, hạn chế thiệt hại và khắc phục nhanh hậu quả bão số 12, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động phương tiện, vật tư, nhân lực khắc phục hệ thống điện để nhanh chóng cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Cùng đó, phải có phương án cấp điện phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, khám chữa bệnh, cung cấp nước sạch. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải chỉ đạo các chủ đập thủy điện thực hiện theo điểm 2 của Công điện này.
Hơn nữa, chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện và các đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống truyền tải, lưới phân phối điện bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện. Đặc biệt, có phương án và bảo đảm duy trì các nguồn điện phục vụ hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC trong mọi tình huống.
Công điện cũng nêu rõ, các chủ đập thủy điện cần kiểm tra, triển khai các biện pháp để gia cố hồ đập. Bố trí phương tiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố. Mặt khác, vận hành hồ chứa theo quy trình đơn hồ, liên hồ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống trong quá trình vận hành.
Bên cạnh đó, phối hợp vận hành các hồ chứa, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo. Đáng lưu ý, các chủ đập thủy điện phải cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để phục vụ chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ chứa.
Tại Công điện này, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh phải chỉ đạo, kiểm tra các chủ đập thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện theo điểm 2 của Công điện này. Hơn nữa, kiểm tra nguồn hàng thiết yếu đã được dự trữ theo kế hoạch để sẵn sàng cung cấp cho khu vực bị ngập lụt, chia cắt và hỗ trợ tỉnh bạn khi có yêu cầu.
Chú trọng việc chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra để bảo đảm bình ổn giá. Kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng khan hiếm hàng hoá để nâng giá.
Riêng với Vụ Thị trường trong nước, cần phối hợp với các Sở Công Thương, các doanh nghiệp thương mại để điều hành và bảo đảm cung cấp hàng hoá thiết yếu cho các tỉnh, khu vực bị chia cắt.
Cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra để bảo đảm bình ổn giá. Kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng khan hiếm hàng hoá để nâng giá.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Công điện này. Vào 15 giờ hàng ngày báo cáo thông tin về Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.