Theo ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, tùy theo tình hình sụt lún và điều kiện thực tế của địa phương mà tỉnh sẽ triển khai các giải pháp hộ đê khác nhau.
Cụ thể, đối với khắc phục sụt lún các đoạn đê biển Tây có chiều dài 7.500m (dọc tuyến đê từ Kênh Mới xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đến Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh), tỉnh thực hiện hộ đê bằng kè mái nghiêng với rọ đá bảo vệ mái đặt trên lớp lọc vải địa kỹ thuật, với tổng chiều dài các đoạn là 7.500 mét. Tổng kinh phí cho việc lắp đặt này là 50 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh chọn giải pháp xử lý tạo phản áp khắc phục sự cố sụt lún đê biển Tây bằng cách bơm bùn cát vào trong kênh mương đê với cao trình thích hợp nhất trên tổng chiều dài 4.200 mét, trong đó có 800 mét san lấp cát khu tái định cư xen ghép Đá Bạc với tổng kinh phí 45 tỷ đồng; trong đó kinh phí bơm bùn tạo phản áp là 15 tỷ đồng và bơm cát khu tái định cư Đá Bạc là 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh còn dự kiến 3 tỷ đồng cho xử lý khắc phục 3 điểm sụt lún có chiều dài 240 mét, đoạn Đá Bạc hướng về Kênh Mới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tại tuyến đê biển Tây (Cà Mau) đã xuất hiện 3 điểm sụt lún, đoạn Đá Bạc hướng về Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) với tổng chiều dài 240m. Vấn đề quan ngại là sự cố sụt lún đê biển liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều đoạn đê đã bị hư hỏng nặng đặt vào tình huống hết sức nguy hiểm, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh cũng phát hiện trên tuyến đê biển Tây, đoạn từ Vàm Kênh Mới đến Vàm Đá Bạc với chiều dài khoảng 4.200m có dấu hiệu rạn nứt, nguy cơ sụt lún rất cao.