Đoàn viên thanh niên thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị làm vệ sinh xung quanh mộ phần các Anh hùng Liệt sỹ. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN |
Tối 26/7, Tỉnh Đoàn Quảng Trị phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Cục Chính trị Quân khu 4, Binh đoàn 12, Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ và chương trình giao lưu nghệ thuật “Bản hùng ca Trường Sơn” tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Tại chương trình, đại diện các vị lãnh đạo, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng các đoàn viên, thanh niên và đông đảo người dân đã dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, những người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sau lễ viếng, hơn 1.500 đoàn viên, thanh niên đã tiến hành vệ sinh sạch sẽ 5 khu mộ, dâng hương, thắp nến tại 10.263 ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, với truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, hàng triệu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã không tiếc máu xương chiến đấu anh dũng, hy sinh, trong số đó có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn mãi mãi yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ, mỗi cây hương, ngọn nến là sự tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ hôm nay tới các thế hệ đi trước.
Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca Trường Sơn” được dàn dựng công phu, sáng tạo, thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca, múa, nhạc kết hợp lời bình và phim tài liệu đã tái hiện lại chặng đường lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc qua các thời kỳ; kết hợp giao lưu với các cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử một thời đã qua, qua đó khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ nêu cao truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tham gia thực hiện tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.
Cũng tại chương trình, Ban tổ chức đã tiến hành trao tặng 30 suất quà và 3 căn nhà tình nghĩa cho một số gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, thương bệnh binh, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với tổng giá trị hơn 350 triệu đồng.
Trong 2 ngày 25-26/7, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã đến thăm, tặng quà hơn 8.000 gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng… trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Tại các nơi đến thăm, lãnh đạo tỉnh đã thăm hỏi sức khỏe, đời sống thương binh, gia đình các liệt sỹ; đồng thời động viên các gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt khó cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, ngày 26/7, tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cha mẹ của liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở 9 huyện, thị, thành phố.
Đoàn viên thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Bình Tân – Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thành Liêm cùng lãnh đạo HĐND tỉnh, Sở Thương binh-Lao động và Xã hội, thị xã Thuận An đã ân cần thăm hỏi, động viên và tặng quà 5 đối tượng chính sách gồm: Anh Hồ Quang Tân (thương binh 1/4); Mẹ liệt sĩ Trần Thị Tiếm; ông Đinh Văn Bê, cha liệt sĩ; Hồ Hồng Châu (bệnh binh 2/3) và Huỳnh Văn Bén, người có công với cách mạng cùng ngụ tại phường An Sơn, thị xã Thuận An.
Mỗi huyện, thị, thành phố, đoàn lãnh đạo đến thăm hỏi và tặng quà 5 gia đình, đối tượng chính sách của địa phương với mỗi phần quà trị giá 2 triệu đồng (1,5 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 500 ngàn đồng).
Sáng cùng ngày, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Dương đã đến đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm các Anh hùng, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.
Ngày 26/7, tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, đã diễn ra lễ khánh thành Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ thành phố với sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các vị lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng thân nhân các gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Công trình Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ thành phố Sông Công được nâng cấp từ Nghĩa trang liệt sỹ xã Tân Quang (nay là phường Bách Quang, thành phố Sông Công) với tổng kinh phí 45 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vốn Ngân sách Nhà nước và từ các nguồn vốn huy động khác.
Trước khi diễn ra lễ khánh thành, thành phố Sông Công cũng đã tổ chức lễ cầu siêu, an vị hương linh các anh hùng liệt sĩ với dự tham gia của hàng nghìn tăng ni, phật tử trong, ngoài tỉnh và tổ chức lễ an vị tượng Bác, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ.
Ngày 26/7, Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông tổ chức Chương trình Tuyên dương thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2016. Tại lễ tuyên dương, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của một thời chiến tranh ác liệt.
Trở về sau chiến tranh, các thương, bệnh binh phải mang trên mình nhiều thương tật nhưng với phẩm chất cao quý, ý chí, nghị lực phi thường các thương, bệnh binh đã phát huy phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, không ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà quyết tâm vượt qua mọi khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng.
Đến nay, tỉnh Đắk Nông có hàng nghìn cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giả với hàng trăm mô hình kinh tế cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, nhiều mô hình giải quyết hàng trăm công ăn việc làm cho người lao động tại các địa phương.
Không chỉ làm giàu cho chính mình, các thương, bệnh binh thường xuyên giúp đỡ đồng đội có hoàn cảnh khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, giúp đồng đội vươn lên thoát nghèo. Ngoài làm kinh tế giỏi, những người lính Cụ Hồ năm xưa luôn là tấm gương sáng cho gia đình và con cháu.