Nhiều khu vực miền núi Thanh Hóa bị sạt lở do mưa lớn

Ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, cùng nhiều trận mưa lớn trong thời gian qua đã khiến nhiều khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở.

Điểm sạt lở tại chân núi Vèn, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy.

Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, từ ngày 18/10 đến nay, mưa lớn khiến khu vực chân đồi Mùn, xã Cẩm Thành và tại khu núi Vèn, xã Cẩm Liên, bị sạt lở nghiêm trọng. Trước thực trạng này, UBND huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo UBND 2 xã trên khẩn trương di dời dân, khắc phục sự cố, 4 ngày sau sạt lở các hộ dân được về nhà. Tuy nhiên, trên đồi vẫn còn nhiều nguy cơ sạt lở đất đá khiến 8 hộ dân sống quanh chân đồi luôn sống trong lo sợ.

Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực đồi Mùn, thôn Thành Long 1, xã Cẩm Thành, do mưa lớn kéo dài nên kết cấu đất khu vực này ít kết dính, xuất hiện vết nứt trượt dài, cắt dọc đồi khoảng 130 mét, rộng theo cắt ngang đồi khoảng 70 mét, vết nứt của cung trượt có điểm đã lún sâu hơn mặt đất tự nhiên từ 50 - 70 cm; chiều rộng vết nứt từ 7 - 12 cm. Vết nứt này đang có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của 8 hộ dân sống dưới chân đồi và chia cắt đường giao thông liên xã Cẩm Thành và Cẩm Liên.

Dù chính quyền địa phương đã vận động di dời các hộ gia đình quanh đồi Mùn đến nơi an toàn và khắc phục sự cố, nhưng sau khi các hộ dân này trở về nhà vẫn luôn lo sợ ngày đêm khi vết nứt dưới chân đồi vẫn chưa được xử lý. Chị Quách Thị Thực, trú tại thôn Thành Long 1, xã Cẩm Thành cho biết: "Vết nứt lớn trên đồi vẫn chưa được chính quyền khắc phục, nếu sạt lở ban ngày thì còn thấy mà chạy, chứ ban đêm thì không chạy được".

Ông Cao Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết, xã đã họp cán bộ thôn, 8 hộ dân khu vực sạt lở để đưa ra phương án khắc phục sự cố; đồng thời đã báo cáo xin chỉ đạo của UBND huyện Cẩm Thủy. Ngoài ra, xã đã treo biển cảnh báo sạt lở tại đường vào chân đồi Mùn.

Tại khu vực chân núi Vèn, xã Cẩm Liên - nơi có mỏ khai thác đá của Công ty TNHH đá xuất khẩu Bảo Duy, do mưa lớn kéo dài gây sạt lở, vết sạt lở tính từ chân núi lên đỉnh núi dài 60 mét. Chính quyền xã cũng đang phối hợp với các đơn vị thi công để khắc phục sự cố này.

Theo bà Mai Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, huyện đã chỉ đạo các đơn vị thi công khai thác đá và UBND xã Cẩm Liên tổ chức ra quân nạo vét lòng đường, chuyển toàn bộ đất đá thải bị sạt lở để thông tuyến đường và đảm bảo an toàn cho nhân dân. Đối với xã Cẩm Thành, huyện đã có văn bản yêu cầu xã bố trí quy hoạch khu đất mới cho 8 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp tại thôn Thành Long 1 và có kế hoạch di chuyển bà con ra khỏi địa bàn bị sạt lở.


Huyện Cẩm Thủy đã báo cáo UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh, các ngành chức năng giúp huyện có biện pháp khắc phục sự cố. Trước mắt huyện sẽ di chuyển toàn bộ 8 hộ bị ảnh hưởng ra khỏi nơi sạt lở và mượn nhà cho các hộ ở tạm, sau đó sẽ quy hoạch các khu đất để các hộ làm nhà ở.

Được biết, trong ngày 2/11, đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa đã xuống hiện trường kiểm tra và khắc phục sự cố sạt lở trên.

Tin, ảnh: Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
Đồng Tháp thiệt hại trên 22 tỷ đồng do sạt lở
Đồng Tháp thiệt hại trên 22 tỷ đồng do sạt lở

Hiện nay, đang vào mùa mưa lũ và do tác động của dòng chảy, nên tình hình sạt lở liên tiếp xảy ra, nhất là tại các điểm nóng như các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN