Trong đó, Bắc Giang ghi nhận 125 ca, Thành phố Hồ Chí Minh - 84 ca, Bắc Ninh - 34 ca, Tiền Giang - 10 ca, Hà Tĩnh - 5 ca, Lạng Sơn - 1 ca. Trong số 259 ca trong nước có 246 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 18h ngày 12/6, Việt Nam có tổng cộng 8.609 ca ghi nhận trong nước và 1.632 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 7.039 ca.
Cả nước có 21 tỉnh, thành phố gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Trong ngày đã có 23 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên 3.827 người. Cũng trong ngày, có một bệnh nhân số 4118 (nữ, 64 tuổi, địa chỉ thường trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tử vong với chẩn đoán tử vong là do sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS do SARS-CoV-2 trên nền bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị hóa chất. Đây là bệnh nhân thứ 58 của Việt Nam tử vong do liên quan đến COVID-19.
Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế có 433 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 112 người âm tính lần 2 và 73 người âm tính lần 3.
Tính đến 16 giờ ngày 11/6, cả nước đã tiêm vaccine trong 3 đợt tại các tỉnh, thành phố với hơn 1,44 triệu liều. Trong đó, có 53.127 người đã được tiêm đủ 2 mũi.
Cũng trong ngày 12/6, tại Quyết định số 2908/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Comirnaty cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược (Nghị định 54/2017/NĐ-CP).
Đó là vaccine Comirnaty, mỗi liều 0,3ml chứa 30mcg vaccine mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid), có dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm; đóng gói 1 khay chứa 195 lọ; mỗi lọ chứa 6 liều do hãng Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ); BioNTech Manufacturing GmbH (Đức) sản xuất. Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) là đơn vị đề nghị phê duyệt vaccine.
Các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vaccine Comirnaty cho nhu cầu cấp bách trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (vaccine Comirnaty được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam tính đến ngày 28/5/2021 và cam kết của Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) về việc các tài liệu đã cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam cũng đồng thời là tài liệu Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) đã nộp và đánh giá, phê duyệt bởi EMA.
Thông tin từ Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) chiều 12/6 cho biết, đến nay, cả nước có hai nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19. Trong đó, một ứng cử viên vaccine đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen. Học viện Quân Y và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh là hai tổ chức nhận thử nghiệm lâm sàng; địa điểm triển khai là tại Học viện Quân Y; tỉnh Hưng Yên; Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh; tỉnh Long An; tỉnh Tiền Giang và một số đơn vị đủ điều kiện.
Dự kiến, sẽ có khoảng 13.000 người tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 để đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine (bao gồm 1.000 đối tượng để đánh giá giữa kỳ về tính an toàn và sinh miễn dịch).
Một ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 khác đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là vaccine COVIVAC của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang. Hiện tại vaccine này đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Theo đó, trên nền cơ sở vật chất hiện có, Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang dự kiến quy mô sản xuất là khoảng 6 triệu liều vaccine/năm và có thể nâng công suất khi được mở rộng đầu tư. Nanogen dự kiến quy mô sản xuất khoảng 20 -30 triệu liều vaccine/năm và có thể nâng công suất cao hơn.
Một doanh nghiệp Việt Nam đã thảo luận, đàm phán với một nhà sản xuất ở Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ tinh chất mRNA (vaccine này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg, có khả năng bảo vệ cao (dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2), hiện tại vaccine đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1, 2). Nhà máy được đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm dự định bắt đầu sản xuất từ quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.
Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đã hỗ trợ liên hệ với một công ty sản xuất vaccine của Nhật Bản theo công nghệ tiên tiến.
Hiện nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
VABIOTECH cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine phòng COVID-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.