Về dự án Luật Cảnh sát cơ động (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 5 chương với 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Các đại biểu đề nghị nên thêm một điều là các đối tượng áp dụng của luật để xác định rõ những đối tượng chịu tác động. Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động là tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu trấn áp các hành vi bạo loạn, khủng bố, lật đổ chính quyền, gây rối trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Cảnh sát cơ động phối hợp, hỗ trợ các lực lượng trong Công an nhân dân và các lực lượng, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong các hoạt động phối hợp đặc thù, các đại biểu cũng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể vai trò của lực lượng Cảnh sát cơ động trong từng hoạt động.
Ở Điều 10 về quyền hạn của Cảnh sát cơ động, các đại biểu đề nghị nêu rõ ở khoản 3 là: Ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ… Đại diện Công an tỉnh Hải Dương cho rằng cần có quy định cụ thể quyền quản lý của lực lượng Cảnh sát cơ động đối với các thiết bị bay không người lái tại các địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng.
Ông Nguyễn Khắc Toản, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương cho rằng, khi lấy ngày 15/4 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát cơ động cần nêu rõ lý do, nguồn gốc xuất xứ và thời điểm bắt đầu lựa chọn ngày này. Đối với quyền hạn của lực lượng Cảnh sát cơ động được quy định ở các điều 10, 13, 16, theo ông Nguyễn Khắc Toản, cần có quy định chặt chẽ và phải có các nghị định, thông tư hướng dẫn ngay sau khi ban hành luật để tránh việc làm dụng, lợi dụng luật gây ảnh hưởng đến quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều bộ luật.
Góp ý vào dự án luật, ở Điều 16 về “Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự”, ông Nguyễn Đình Xiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương cho rằng cần quy định rõ như thế nào là trường hợp “cấp bách” để tránh việc lợi dụng luật của một bộ phận cán bộ, chiến sỹ hoặc khi huy động sẽ không được sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác của người dân vì không hiểu rõ.
Điều 30 về “Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”, ông Nguyễn Đình Xiển cũng góp ý về khoản 2 là “Hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”...
Góp ý về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), tại Điều 5 về “Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh”, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Khắc Toản cho rằng, không nên giới hạn đề tài mà nhà nước đầu tư, hỗ trợ. Bởi nhiều bộ phim điện ảnh khi làm xong mà không thu hút được khán giả thì rất lãng phí ngân sách và cũng nên dành ngân sách cho các bộ phim về những vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay như: Đấu tranh chống các thế lực thù địch, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Ở Điều 9 về “Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh”, ông Nguyễn Khắc Toản đề nghị cần quy định cụ thể hơn nữa bởi trong luật hiện vẫn chưa đề cập hết. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần phân định rõ điện ảnh là ngành văn hóa hay kinh tế hoặc là sự phối hợp giữa văn hóa và kinh tế bởi hiện nay, ở một số nước, điện ảnh là một ngành kinh tế mạnh, đem lại doanh thu lớn; thậm chí, phim trường của một số bộ phim sau khi công chiếu còn trở thành những điểm du lịch rất hút khách.
Về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chia sẻ, luật được sửa đổi theo hướng xây dựng điện ảnh là nghệ thuật sáng tạo, một ngành kinh tế. Luật cũng nhằm xây dựng chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh và huy động các nguồn xã hội hóa, các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho điện ảnh. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, do ngân sách hạn hẹp nên nhà nước sẽ chỉ đầu tư xây dựng những bộ phim mang nội dung chính trị. Bà Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết thêm, trong kỳ họp tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị Quốc hội tiến hành biểu quyết riêng về “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh” với mong muốn Quỹ này sẽ thúc đẩy cho điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Về dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ở Điều 7, ông Nguyễn Khắc Toản, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị, cần có chế tài, quy định cụ thể để bảo vệ quyền tác giả khi tác giả đó đã qua đời và chưa hiến tác phẩm đó cho nhà nước.
Góp ý cho luật này, ông Trần Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho rằng cần có quy định cụ thể, cơ chế xử lý đối với việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý nhất là đối với nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu hiện nay như vải thiều Thanh Hà… Theo ông Trần Quốc Toản, cần làm rõ hơn trong luật về việc thực hiện sở hữu trí tuệ đối với lĩnh vực âm thanh như ghi âm.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cá nhân, các chuyên gia, các cơ quan, đoàn thể để trình lên Quốc hội xem xét, chỉnh lý, sửa đổi các dự án luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.