Bài học đau lòng từ vụ án Việt Á
Nhìn lại hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống", toàn diện hơn trên các mặt công tác xây dựng Đảng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) có bước tiến đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao.
Vụ án liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong khi cả nước đang dồn lực chống đại dịch COVID-19. Việc thông đồng mua bán kits xét nghiệm SARS-CoV-2 với quy mô lớn đã khiến dư luận cả nước rất bức xúc. Nhiều cán bộ, đảng viên có chức quyền ở nhiều cơ quan trong và ngoài ngành y tế, nhiều cán bộ địa phương đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, quan điểm của cơ quan điều tra là điều tra triệt để và xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, triệt để và không có vùng cấm”. Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ doanh số bán hàng trong 2 năm của Công ty Việt Á là khoảng 4.000 tỷ đồng.
Nói về vụ Việt Á, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, đây là vụ án, vụ việc tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng nên đưa vào diện thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực chỉ đạo điều tra, xử lý. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, mở rộng vụ án Việt Á, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, mở rộng điều tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit test COVID-19 tại doanh nghiệp này.
Theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định pháp luật.
Chính từ chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự vào cuộc khẩn trương kiên quyết của Bộ Công an, công an các địa phương mà vụ án nhanh chóng được mở rộng. Những đường dây ma quỷ dần được bóc gỡ. Nhân dân cả nước tin tưởng chắc chắn rằng tới đây tất cả những kẻ trục lợi từ đại dịch COVID-19, mà cụ thể là trong vụ Việt Á sẽ phải bị trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật.
Video Đại biểu Quốc hội đánh giá về việc lấy phiếu tín nhiệm:
Lòng dân đồng thuận
Càng ngày lòng tin của người dân và xã hội đặt vào Đảng càng tăng lên. Người dân nhìn vào dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực với một mục đích lớn lao đó là vì nhân dân.
Ngày 16/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thay thế Quyết định số 07 và Quy định số 102. Với quy định mới này, kỷ luật Đảng đã được hệ thống và đặt trong một quy định thống nhất, đồng bộ để soi chiếu, xác định mức độ vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.
Bà Nguyễn Thị Bích - Nguyên Ủy viên Ban Kinh tế TW cho rằng: Quy định 69 thể hiện tư tưởng kiên quyết loại bỏ, đấu tranh với các hành vi vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên, một lần nữa bày tỏ quyết tâm của Đảng là đề cao kỷ luật, đề cao trách nhiệm cá nhân của mỗi đảng viên.
Quy định 69 chỉ là một trong những quy định, nghị quyết, kết luận được ban hành trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Điều đó cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng tiếp tục được tăng cường, những sai phạm được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. Kỷ luật về hành chính được tiến hành đồng bộ, kịp thời với kỷ luật Đảng.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Ban công tác đại biểu của Quốc hội, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, cho biết: Trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành các nghị quyết về công tác cán bộ, các quy chế, quy định và có nhiều việc làm mới chưa có tiền lệ để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào nề nếp hơn, hiệu quả hơn và có tính thuyết phục ngày càng cao trong xã hội.
Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa diễn ra, có một nội dung rất quan trọng là việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Đây là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ. Mục đích là để góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Kết quả việc lấy phiếu giúp cán bộ tự soi, tự sửa, qua đó tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và nâng cao trách nhiệm nêu gương về trình độ, năng lực công tác.
Ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Việc lấy phiếu tín nhiệm mang một ý nghĩa rất quan trọng để các đồng chí được lấy phiếu tự soi lại bản thân mình sau khi có kết quả.
“Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước có những hạn chế, thiếu sót thì tự phải sửa chữa, bổ sung. Đồng thời phát huy tối đa những thành quả, những việc tích cực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, nhiệm vụ cụ thể. Việc Trung ương định kỳ xem xét đánh giá bằng việc bỏ phiếu kín là rất dân chủ trong hoạt động của Đảng. Qua đó đã góp phần cho việc lãnh đạo của Đảng tốt hơn, xã hội tốt hơn, đất nước tốt hơn. Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ cách làm này”, ông Phạm Văn Hòa nói.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Sửu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm chính là sự sàng lọc để đánh giá chất lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, uy tín của cán bộ trong công tác, trong các vị trí được Đảng và Nhà nước giao. Bên cạnh công tác xây dựng Đảng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng đạt được những bước tiến vượt bậc. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được bổ sung thêm chức năng chống tiêu cực. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh. Đặc biệt đối với những vụ án trong những lĩnh vực mới, khó, nhạy cảm; có tổ chức chặt chẽ, khép kín, phức tạp, có sự móc nối giữa khu vực công và khu vực tư.
Cũng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được hệ thống hóa trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh". Đây là tài liệu rất có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, được coi là cẩm nang về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Chúng ta nói chống tham nhũng không có vùng cấm, bây giờ rõ ràng như vậy. Chúng ta đã bắt đầu có những tổng kết để tìm ra những cơ sở trong công tác tổ chức, từ đó có thể xử lý tham nhũng tận gốc”.
Kết quả trên cho thấy nỗ lực của Đảng trong việc chống tham nhũng được ghi nhận. Những kết quả này là minh chứng rõ nhất cho việc Việt Nam rất nghiêm túc với cuộc chiến chống tham nhũng.
Bước vào nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thành lập ở cả 63 tỉnh, thành phố. Đến tháng 4/2023, 63 Ban chỉ đạo đã đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực, phức tạp được dư luận quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo, xét xử. Người dân cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương là rất cần thiết, để xử lý các vụ việc tiêu cực ngay tại địa phương mình, hạn chế phải chuyển lên Trung ương.
Rất nhiều người tâm đắc với lời nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Việc có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương để xử lý đã xóa đi hoài nghi về "trên nóng, dưới lạnh" như trước đây. Và tiếp nối những kết quả đã đạt được, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Đến nay, 14 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý được xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác. Các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật.