Gam màu sáng
Kinh tế xã hội là một trong những điểm nhấn quan trọng nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, dù bối cảnh khó khăn đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và an sinh xã hội.
COVID-19 đã khiến hoạt động kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nặng nề, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, nhiều ngành nghề tê liệt, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Nhưng những định hướng mới được đưa ra, đã tạo được bước ngoặt cho nền kinh tế. Cụ thể: Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07 ngày 1/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội; Kết luận 24 tháng 12/2021 về Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 20 tháng 10/2022 để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 2021 - 2022 và đề ra các định hướng, chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 cũng như những định hướng lớn về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành Nghị quyết các chương trình, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế, cũng như những biện pháp, chính sách phòng, chống COVID-19 phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiêp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng: Khống chế dịch COVID-19 nhanh chóng đã góp phần đưa doanh nghiệp quay trở lại và người dân cũng tận dụng tốt cơ hội để sản xuất phát triển. "Đảng và Nhà nước có quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp tại thời điểm đó là không có tiền lệ và các cơ quan nhà nước đều vào cuộc để có những quyết sách rất tốt", ông Nguyễn Văn Thân nói.
Chính vì thế, dù đầy rẫy khó khăn, nhưng kinh tế vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm. Năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5% và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 4%. Các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được đảm bảo đã tạo điều kiện để nền kinh tế nước ta có sức cạnh tranh lớn hơn.
PGS. TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho rằng: Có ba nhân tố làm lên kết quả này, đó là vai trò lãnh đạo đạo của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tiếp đó là cả nước đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của lòng dân. Sau đó là sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sức mạnh bên ngoài kết nối với sức mạnh bên trong.
"Tôi xin nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư trước những khó khăn đã điềm tĩnh để xử lý với những vấn đề quyết định chính xác. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo rất bài bản, dù phải ứng phó với thách thức chưa từng có, vừa phải xử lý những vấn đề trước mắt, những tồn đọng từ trước để lại nhưng vẫn quản trị các mục tiêu quan trọng", ông Đoàn Minh Huấn cho hay.
Phát triển kinh tế đi đôi với coi trọng an sinh xã hội
Theo các chuyên gia kinh tế thế giới, Việt Nam đã thành công trong việc thực hiện phòng, chống đại dịch COVID-19 và cũng nhanh chóng có định hướng phục hồi kinh tế. Bước ngoặt của việc thay đổi nhận định về dịch đã giúp Việt Nam nhanh hơn một bước, và đó chính là cơ hội để kinh tế Việt Nam có kết quả rất tốt trong thời gian qua, khi thế giới vẫn còn đang rất khó khăn.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển 3 đột phá chiến lược, đó là: Xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng. Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000km cao tốc. Thế nhưng, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, chiều dài đường cao tốc đã tăng thêm 600km, nâng tổng chiều dài cao tốc Việt Nam hơn 1.700km.
Đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong 2 năm qua, việc làm đường cao tốc đã bằng cả 10 năm trước. Chính phủ chỉ đạo rút ngắn thời gian tiến độ thi công đường cao tốc sau khi xây dựng xong sân bay Long Thành và các dự án trọng điểm, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện để cạnh tranh với các nhà thầu thế giới trong việc thi công các công trình lớn tầm cỡ.
Thời gian qua, nền kinh tế cũng được tăng cường tính minh bạch. Việc nhận diện và xử lý các ngân hàng yếu kém đã được các cơ quan điều hành lên kế hoạch thực thi ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Theo ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, phát triển kinh tế nhanh, nhưng chúng ta không gây ra sự xáo trộn lớn đến hệ thống ngân hàng; coi trọng sự ổn định hệ thống ngân hàng, cũng như không để ảnh hưởng đến quá trình tái cấu trúc các ngân hàng theo hướng lành mạnh hóa, theo các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao.
Đến nay, 5/12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đã có những tín hiệu khởi sắc. Thời gian qua, các dự án này đã được Bộ Chính trị đồng ý cho chủ trương được sử dụng nguồn vốn hợp pháp để chủ động xử lý và bước đầu đã có chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động trở lại và sản xuất kinh doanh có lợi nhuận. Những dự án còn lại tiếp tục trong quá trình xử lý.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, sản xuất, đời sống của người dân, người lao động trên cả nước gặp nhiều khó khăn. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác an sinh xã hội, đảm bảo an sinh đến từng người dân.
104.000 tỷ đồng là số tiền được giải ngân để hỗ trợ an sinh cho gần 508 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động trong hơn 2 năm qua. Đặc biệt, các chính sách đã tập trung đảm bảo việc làm bền vững, chính là an sinh tốt nhất cho người dân. "Không để ai ở lại phía sau.", thông điệp này luôn được thể hiện rõ bằng những chỉ đạo cụ thể, kịp thời của Đảng về an sinh xã hội.
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Đảng ta đã chỉ đạo xây dựng một hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa tầng, nhiều cấp để đảm bảo cho mọi người dân, nhất là những người yếu thế, được hưởng chế độ an sinh xã hội.
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Kỳ tích không đến một cách tự nhiên. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quyết liệt điều hành của Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội đổi mới.
Những kỳ họp Quốc hội bất thường, các cuộc họp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ trước mỗi kỳ họp Quốc hội đã góp phần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng, tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an, các kỳ họp Quốc hội, kể cả hai kỳ họp bất thường, là quyết tâm rất lớn của cơ quan lập pháp Việt Nam, thể hiện sự bắt nhịp đúng mạch đập của Đại hội XIII của Đảng là khát vọng, tất cả phải làm nhanh và kịp thời, hiệu quả. Hoạt động của Chính phủ về kinh tế và đối ngoại và hoạt động lập pháp Quốc hội đã ăn khớp nhau, tạo thành một động lực chung, đưa đất nước vượt qua những thử thách.
Bài cuối: Coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực