Dũng cảm từ chối nếu không đủ năng lực
Trong vụ án thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Dược phẩm (CPDP) Cửu Long, 8 bị cáo đã bị đưa ra xét xử về các tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ngày 11/11/2008, Thứ trưởng Bộ Y tế khi đó là ông Cao Minh Quang đã ký Quyết định số 92/QĐ-BYT thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài chính - Bộ Y tế kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir và phân công Nguyễn Việt Hùng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) làm Trưởng đoàn để kiểm tra tại các đơn vị liên quan. Điều 2 Quyết định nêu rõ: "Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir phosphat và sản xuất thuốc Oseltamivir dự trữ, đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả số thuốc và nguyên liệu dự trữ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2008".
Trong vụ án này, Nguyễn Việt Hùng bị cáo buộc với tư cách Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài chính - Bộ Y tế, kiểm tra việc mua, sản xuất và việc thanh lý hợp đồng giữa Bộ Y tế và Dược Cửu Long nhưng không chỉ đạo kiểm tra trực tiếp sổ sách, kế toán, báo cáo tài chính và hạch toán số tiền hơn 3,8 triệu USD; không tổng hợp lấy ý kiến liên ngành để làm rõ số tiền 3,8 triệu USD mà chỉ dựa vào báo cáo của Công ty CPDP Cửu Long.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng cho rằng, bị cáo Hùng là cán bộ ngành Dược nhưng lại được bị cáo Quang phân công làm Trưởng Đoàn kiểm tra các vấn đề tài chính là không đúng chuyên môn nên đương nhiên "không thể phát hiện sai phạm về tài chính của doanh nghiệp".
Trên thực tế, bị cáo Hùng không tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành với tư cách kiểm tra viên mà tham gia với tư cách là Trưởng đoàn - tức là có trách nhiệm quán xuyến, bao quát, nắm được nguyên tắc, quy trình và kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra này đã "hoàn toàn không rà soát các hợp đồng, tuyệt nhiên không rà soát các điều khoản về giảm giá và do đó đã báo cáo sai". Khi các thành viên của Đoàn kiểm tra, thuộc Bộ Tài chính, gửi văn bản đề nghị Bộ Y tế kiểm tra lại khoản tiền hơn 3,8 triệu USD Cửu Long được nợ, bị cáo Quang tiếp nhận văn bản này và giao trách nhiệm xử lý cho bị cáo Hùng nhưng bị cáo Hùng vẫn không thực hiện.
Như vậy, bị cáo Hùng vừa không làm đúng nội dung kiểm tra, vừa không làm tròn chức trách của cấp dưới trong việc tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý số tiền hơn 3,8 triệu USD với lãnh đạo cấp trên.
Tương tự bị cáo Hùng, bị cáo Phạm Thị Minh Nga (cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế) khai thời điểm tham gia vào Đoàn kiểm tra liên ngành, bị cáo chưa có nhiều kinh nghiệm nên khi tiến hành kiểm tra bị cáo không biết kiểm tra như thế nào, nội dung gì.
Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập để kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir – đó là những chuyên môn đặc thù, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân, tài sản của Nhà nước. Vì vậy, đòi hỏi những thành viên của đoàn kiểm tra cũng phải giỏi chuyên môn và có đủ phẩm chất, năng lực. Nếu các bị cáo được giao trách nhiệm kiểm tra mà thấy bản thân không đủ năng lực thì phải dũng cảm xin từ chối nhiệm vụ. Đã nhận nhiệm vụ thì phải hoàn thành, không làm được thì đứng sang một bên, để người có đủ năng lực làm. Đó mới là cán bộ có trách nhiệm với công việc, với chức trách mình được giao phó.
Làm lãnh đạo nhưng thiếu hiểu biết, hạn chế chuyên môn
Trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều tự nhận mình thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức chuyên môn hạn chế… nên đã thực hiện hành vi vi phạm mà không biết là mình vi phạm.
Đáng ngạc nhiên, 11 bị cáo trong tổng số 14 bị cáo trong vụ án này đều nguyên là những cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone, là những người đã trải qua nhiều vị trí công tác, đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, khi được cất nhắc chức vụ đều được đánh giá là có kinh nghiệm quản lý, có kiến thức chuyên môn sâu, nắm vững và chấp hành đúng chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước… vậy mà đến khi ra Tòa vẫn cứ chung một thừa nhận “thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức chuyên môn hạn chế”?!
Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son (nguyên Bộ trưởng cho rằng đã có sự lúng túng trong nhận thức về pháp luật điều chỉnh đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần giữa AVG và MobiFone.
Đồng tình với ý kiến này, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà) phân tích, nhận thức áp dụng pháp luật trong việc xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án không đúng và chưa thống nhất giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan là nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm của các bị cáo.
Điều lạ là trong quan hệ công tác bình thường không thấy ai đề cập đến việc chưa thống nhất này giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan. Nhưng đến khi xảy ra sai phạm thì các bị cáo lại đổ lỗi cho việc nhận thức pháp luật chưa đúng, chưa thống nhất. Vấn đề này đặt ra câu hỏi về trình độ, nhận thức của các bị cáo nguyên là những cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone; về trách nhiệm cũng như sự tự tôn của người cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách. Không đủ năng lực, không đủ sự nhiệt tình, tận tâm trong công việc nhưng vẫn đảm nhiệm chức trách, vẫn hứa hẹn sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao khi nhận quyết định bổ nhiệm. Đó là một bài học không cũ về năng lực cán bộ và sử dụng cán bộ phù hợp.
Điều chỉnh sự bất cập này, Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...
Bài 5: Cần hành lang pháp lý minh bạch