Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37
Chiều 15/11, Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao liên quan đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, vượt qua rào cản không gian, thời gian lẫn hình thức tương tác, các đại biểu đã có những ngày làm việc rất hiệu quả.
"Lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch bệnh COVID-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực với người dân luôn ở vị trí trung tâm", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết, các Hội nghị lần này đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng tạo dựng động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế. Chia sẻ quan điểm về các vấn đề của khu vực và quốc tế đang nổi lên, nhất trí vai trò trung tâm của ASEAN cần được duy trì và tiếp tục phát huy, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.
"Năm 2020 thực sự là một năm đầy thử thách với khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, tại các Hội nghị cấp cao lần này, lãnh đạo các nước đã thống nhất thông qua nhiều quyết sách quan trọng bao gồm: Báo cáo đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025, nhất trí về sự cần thiết tiến hành; rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, khẳng định nỗ lực phát huy tích cực vai trò của ASEAN thúc đẩy hợp tác tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN để mọi người dân, mọi vùng miền có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng.
Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của cộng đồng ASEAN. Hướng tới một cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, lãnh đạo ASEAN khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng ASEAN ca, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng. Nhân dịp này, lãnh đạo các nước đã thông qua Bản tường thuật về bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, là cơ hội quý để phụ nữ các nước ASEAN đóng góp cho các nỗ lực phát triển và tăng trưởng bền vững của khu vực.
Nhiều sáng kiến của ASEAN về hợp tác ứng phó COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai, như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực; Quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. ASEAN cũng thông qua khung phục hồi tổng thể ASEAN và kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội ở các quốc gia.
Không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Colombia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước. Hội nghị Cấp cao Đông Á EAS-15 cũng thông qua các Tuyên bố quan trọng, trong đó có Tuyên bố về 15 năm EAS.
Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức, một lần nữa khẳng định vai trò và thế mạnh của khuôn khổ ASEAN+3 trong ngăn ngừa và ứng phó các nguy cơ khủng hoảng kinh tế-tài chính ở khu vực. Việc ASEAN và các Đối tác kế thúc đàm phán (và ký chính thức) Hiệp định RCEP thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế, rất đáng khích lệ.
"Với những hành trang phong phú của năm 2020 và của các năm trước đây, ASEAN có thể tự tin vững bước vào thập niên thứ 6 - một chặng đường dài không ít thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn đang dần mở ra", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng Brunei Darussalam trong vai trò Chủ tịch kế tiếp sẽ tiếp tục đưa ASEAN tiến lên phía trước, hướng tới một Cộng đồng ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, chủ động thích ứng, phục hồi toàn diện và phát triển bền vững. Cũng tại Lễ bế mạc, Việt Nam đã thực hiện nghi lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei Darussalam, nước Chủ tịch ASEAN 2021.
Sau Lễ chuyển giao, Quốc vương Brunei phát biểu tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN từ Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Lễ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN từ Việt Nam, Quốc vương Brunei cho biết, Brunei chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN; cho rằng, trong một năm đầy thách thức với dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN hoàn thành được các lời hứa của mình, trở thành một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng. Brunei sẽ tiếp nối những thành công đó của Việt Nam để cùng đẩy mạnh quá trình xây dựng cộng đồng.
Quốc vương Brunei cho biết, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2012, Brunei sẽ thúc đẩy 3 lĩnh vực căn bản vì sự phát triển của ASEAN gồm: Chăm lo tới người dân và sự an toàn của nhau; Chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức trong tương lai; Cùng nhau phát triển thịnh vượng như là một khu vực thống nhất. Theo tinh thần đó, Brunei chọn chủ đề cho năm Chủ tịch sắp tới là “We care, We prepare and We prosper” (Chúng ta chăm lo, chúng ta chuẩn bị và chúng ta thịnh vượng).
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội với tinh thần thẳng thắn và dân chủ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10. Đây cũng là dịp để Quốc hội thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Đã có 122 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn, 6 đại biểu chất vấn 2 lần, 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn các đại biểu.
Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu Quốc hội. Các câu hỏi cơ bản đã được các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trả lời, còn một số câu hỏi chưa được trả lời hoặc được phép trả lời bằng văn bản, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm trả lời và gửi văn bản đến đại biểu Quốc hội chất vấn cũng như gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thông tin tới các đại biểu.
Theo đại biểu Phạm Văn Tuân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm, Quốc hội giám sát ra nghị quyết yêu cầu thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định: “Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào nội dung chất vấn”.
Các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được; về những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục trong tương lai. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề trả lời chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa làm rõ được trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại.
Qua phiên chất vấn cho thấy, cơ bản việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao đã được thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu đề ra. Kết quả đó được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhận thấy còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc và cần có giải pháp căn cơ để triển khai khắc phục.
Có những vấn đề đã được Quốc hội yêu cầu nhiều lần nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đạt kết quả đề ra. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, có nguyên nhân bất cập trong chính sách pháp luật, từ tổ chức thực hiện, từ việc thiếu nguồn lực. Nhưng cũng có những nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.
Bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều tối 15/11, bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 16 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình, phía Nam tỉnh Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính khoảng 40 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Từ 16 giờ ngày 15/11 đến 4 giờ ngày 16/11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 16/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất trung tâm vùng áp thấp mạnh dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Trong tối và đêm 15/11, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2-4 m; biển động; trên đất liền ở Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Từ tối 15/11 đến chiều 16/11, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 120 mm; các nơi khác ở Việt Bắc có mưa vừa với lượng mưa từ 20-50 mm. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới cấp 3.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ 7 giờ đến 15 giờ ngày 15/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại các trạm như sau: Kỳ Lạc là 57,2 mm, Hồ chứa nước Kim Sơn là 100 mm, Kỳ Thịnh là 97,2 mm, Bàn Nước là 96,2 mm, Kỳ Anh là 91,8 mm (Hà Tĩnh); Vạn Trạch là 181,4 mm, Tân Lâm là 124,2 mm, Đồng Hới Meteo là 110,4 mm, Việt Trung là 90,8 mm (Quảng Bình); Vĩnh Khê là mm (Quảng Trị); Quảng Điền là 93,2 mm, Thuận An là 92,6 mm, Phong Điền là 44,4 mm (Thừa Thiên - Huế)... Đến 21 giờ ngày 15/11, Hà Tĩnh có mưa với lượng phổ biến từ 50- 110 mm, có nơi trên 240 mm; tỉnh Quảng Bình có mưa với lượng mưa phổ biến từ 30-80 mm, có nơi trên 180 mm; các tỉnh từ Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có mưa với lượng mưa phổ biến từ 5-15 mm, có nơi trên 30 mm.
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam; nguy cơ xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, đặc biệt các huyện: Kỳ Anh, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Lệ Thủy, thị xã Đồng Hới, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Trước đó, nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 13, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tập trung ứng phó với bão số 13 năm 2020. Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Công điện nêu rõ: Bão số 13 đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta. Đây là cơn bão mạnh, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15. Dự báo từ đêm 14 và ngày 15/11/2020, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ven bờ và đất liền khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Diễn biến của bão còn rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, cần theo dõi chặt chẽ, đề phòng bão đổi hướng, đổ bộ vào đất liền sớm hơn hoặc muộn hơn dự báo.
Để chủ động ứng phó với bão, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu
Ngày 15/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp mặt 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trong toàn ngành giáo dục. Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng được gặp mặt các nhà giáo, các cán bộ quản lý tiêu biểu, đại diện cho gần 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục cả nước nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của giáo dục "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Người cũng luôn đánh giá cao vai trò của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục: Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục; không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những thành tựu đó có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Giáo dục.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Có được kết quả nêu trên là do sự cố gắng của toàn ngành, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong dạy và học của các thế hệ thầy và trò trong cả nước. Trong đó, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu có mặt tại đây là những tấm gương về chuẩn mực đạo đức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, sự tận tụy, tâm huyết với nghề; thậm chí, có những thầy, cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em... ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo”.
Chia sẻ với những áp lực của ngành giáo dục trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sự nghiệp giáo dục còn ở phía trước rất dài, rất nhiều vấn đề còn phải tiếp tục. Không thể nói trong nhiệm kỳ này là giải quyết ngay được những yêu cầu về đổi mới phát triển giáo dục mà phải thường xuyên, liên tục đổi mới, hoàn thiện.
Đơn cử như câu chuyện sách giáo khoa lớp 1 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vẫn còn những vấn đề phải tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm yêu cầu đề ra. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội rất sâu sát trong vấn đề này để chính sách, pháp luật về giáo dục đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đừng thấy một bất cập nào đó, một sai sót nào đó, một vấn đề gì chưa được mà phủ nhận hết những thành tích, những công lao của ngành giáo dục trong suốt nhiều năm qua; đừng lấy một vụ việc nào đó để đẩy mạnh truyền thông làm mất đi hình ảnh của nhà giáo hay làm tổn thương những người luôn hết lòng với sự nghiệp trồng người của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm coi trọng, tạo điều kiện để ngành giáo dục phát triển, phát huy vai trò quan trọng là nhân tố chìa khóa, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Quốc hội đã ban hành Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới... tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội luôn quan tâm, giám sát, chất vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan hữu quan có những giải pháp thiết thực để tạo ra những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.
Với mong muốn ngành giáo dục tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, nhất là nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục, nhất là Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, ngành Giáo dục cần tích cực tham mưu, đóng góp những ý kiến, đề xuất, định hướng, nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn phát triển ngành cũng như phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới để góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và sau Đại hội đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Trong đó, cần lưu ý giảm tải cho cả người học và người dạy…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức kinh tế, xã hội cùng các bậc phụ huynh tiếp tục đồng hành, đề cao trách nhiệm trong việc phối hợp chăm lo phát triển giáo dục, góp phần nâng cao những thành tựu của sự nghiệp “trồng người”; đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục.