Diễn đàn nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội thông tin một cách đầy đủ về hiện trạng môi trường, thực trạng công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng như các giải pháp trước mắt và lâu dài mà Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều đại biểu có ý kiến tâm huyết, xây dựng, phản ánh những vấn đề bức xúc về môi trường. Theo đó, trong thời gian từ đầu năm 2016 tới nay, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện cả nước có 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.000 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ô tô, 40 triệu xe gắn máy, hơn 36 triệu gia súc, gia cầm, hơn 1 triệu ha nuôi trồng thuỷ sản... Hàng năm cả nước phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Mỗi năm, hơn 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó có 80% sử dụng sai mục đích, không đúng kỹ thuật; 50%-70% số hóa chất này không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường; phát sinh 76 triệu tấn rơm rạ, 85-90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 80 triệu tấn khí thải...
Từ thực trạng này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam không thể đi theo mô hình phát triển cũ. Trước đây, phát triển kinh tế trong bảo vệ môi trường, nhưng giờ đây, phải bảo vệ môi trường trong phát triển, trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược, quy hoạch. Bởi vậy, cần nhanh chóng bắt nhịp xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế các bon thấp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện nay, nhân lực trong tổ chức quản lý Nhà nước về môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu, đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế, cùng với đó là nhiều bất cập trong quản lý môi trường. Để giải quyết những vấn đề trên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trước mắt ngành tài nguyên và môi trường cần có quy hoạch bảo vệ môi trường cùng với tiếp cận liên vùng phục vụ tái cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cần rà soát, chấn chỉnh các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao đã, đang hoạt động, đang xây dựng, phối hợp với các địa phương xử lý đúng pháp luật. Ngoài ra, cần sớm ban hành tiêu chí đánh giá sản phẩm và công bố danh mục các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm lớn.
Tại diễn đàn, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, ngành tài nguyên và môi trường cần rà soát, xem xét, điều chỉnh các cơ chế tài chính, huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường, nhất là cơ chế huy động trên nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả đúng, trả đủ chi phí xử lý, khắc phục”; “Người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”, chuyển phí thành giá trong dịch vụ xử lý các vấn đề môi trường"... Các nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường phải được đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường. Ngoài ra, các nội dung, cơ cấu chi về đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường cần được xem xét lại, để tập trung chi vào những dự án đầu tư phát triển hạ tầng cho môi trường…