Bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu đã chia sẻ đánh giá tổng thể về dự án Luật cũng như vấn đề về tự chủ đại học đang được dư luận quan tâm.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (thành phố Hà Nội), tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đạt được mục đích, giá trị lớn ; quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan quản lý và trách nhiệm quản trị của cơ sở được giao cho các nhà trường.
“Tôi nghĩ đây là thành công lớn nhất để giúp cho quá trình chúng ta thực hiện tự chủ đại học”, đại biểu nhấn mạnh. Tự chủ tốt sẽ phát triển được hệ thống trường đại học thực chất theo đúng năng lực, chất lượng và đánh giá của xã hội, không phải phát triển hệ thống giáo dục đại học theo phương thức nhờ vào ngân sách Nhà nước cấp và “nuôi dưỡng” như trước đây.
Đánh giá nội dung quy định về tự chủ đại học trong dự án luật là điểm mở, tạo cơ hội cho các trường bứt phá, nâng cao cơ sở vật chất cho giảng dạy, nghiên cứu, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng, đây là xu thế tất yếu mà các trường đại học trên thế giới đã áp dụng nhiều năm nay. Do vậy các trường đại học trong nước cũng cần thực hiện theo xu hướng này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở đào tạo.
Đại biểu chia sẻ, "Nhà nước cần quan tâm chung trên tinh thần tạo ra được động lực để phát triển. Dần dần tập cho các trường, tạo cho các trường năng lực tự chủ. Về mặt nguyên lý thì sự cạnh tranh là một trong những động lực cơ bản nhất cho tất cả các phát triển. Đây là một xu hướng, dù khó khăn ngay từ đầu, các trường cũng rất e dè, nhưng tôi nghĩ các trường sẽ ủng hộ và đây là hướng tạo ra năng lực thực sự cho các trường đại học, cho quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học".
Bàn về giải pháp để các trường đại học có thể từng bước tự chủ, một số đại biểu cho rằng, “bản chất” quan trọng nhất của tự chủ đại học chính là tự chủ về tài chính. Bởi từ tài chính mới thiết kế được module đào tạo, xác định được số lượng, chỉ tiêu sinh viên tuyển sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh cũng là một phương pháp quản lý của Nhà nước.
Căn cứ cơ sở để giao chỉ tiêu là nội dung trọng tâm cần được lưu ý. Nếu giao chỉ tiêu mà không xác định được khả năng đáp ứng của từng cơ sở giáo dục đại học hay cơ cấu đào tạo của cả ngành giáo dục nói chung và hệ thống giáo dục đại học nói riêng thì việc giao chỉ tiêu vẫn còn là vấn đề khó khăn cho nhà trường.
Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ: “Tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư cho hoạt động đào tạo của các trường tự chủ, mà Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư kinh phí, nhưng không đầu tư theo phương thức bao cấp trước đây. Trước kia Nhà nước đầu tư cho các trường để trả lương cho giáo viên, trả tiền điện, tiền nước…, nhưng bây giờ không thực hiện như thế nữa.
Các trường tự chủ thì thực hiện cơ chế đặt hàng.” Các ngành xã hội cần nhưng người học không sẵn sàng bỏ tiền ra học thì Nhà nước sẽ đặt hàng, trả tiền cho các trường, các trường chủ động dùng tiền đó tổ chức tuyển sinh, đào tạo. Đồng thời, ngay trong quy định về tài chính cũng bắt buộc các trường phải có nghĩa vụ trích một phần tiền thu học phí để làm các quỹ học bổng cấp cho học sinh là đối tượng chính sách hoặc những đối tượng là con em nghèo nhưng có khả năng học tập tốt.
“Như vậy, quy định về cơ chế tài chính sẽ giải quyết được mối lo ngại của nhiều người về việc những ngành xã hội không “hot” thì không đào tạo được, hoặc những người nghèo, những người chính sách xã hội thì không được theo học”, đại biểu Cường khẳng định.
Chia sẻ ý kiến về vấn đề tự chủ đại học và xã hội hóa giáo dục đại học, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, tự chủ ở đây phải xác định là tự chủ đại học công lập. “Nhà nước quản lý cái gì và giao cho tự chủ cái gì, thì đó là câu chuyện phải được thể hiện chặt chẽ ở Luật này”. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, điều quan trọng nhất, căn nguyên nguồn gốc của tự chủ là bắt nguồn từ vấn đề sở hữu, việc quản trị, xây dựng học thuật và chương trình đào tạo.
Đại học công lập là đại học do Nhà nước tổ chức, cung cấp dịch vụ giáo dục đại học cho xã hội, nên Nhà nước vẫn phải có phần trách nhiệm trong đó, chỉ giao một phần tự chủ thuộc phạm vi hoạt động của nhà trường nhưng không tách khỏi mục tiêu giáo dục do Nhà nước đặt ra. “Như vậy chúng ta chỉ tự chủ từng phần hay tự chủ những công đoạn nhất định mà thôi.
Tự chủ làm sao để vừa phát huy được tự chủ của nhà trường trong quản lý, quản trị, xây dựng thương hiệu của nhà trường, nhưng đồng thời phải thực hiện theo quy định, mục tiêu của Nhà nước đặt ra, là cung cấp dịch vụ giáo dục đại học có chất lượng cho xã hội để phục vụ xây dựng nguồn nhân lực tốt để phát triển đất nước”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.
Về vấn đề xã hội hóa giáo dục, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, xã hội hóa nói ngắn gọn là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để cùng Nhà nước xây dựng, cung cấp dịch vụ giáo dục đại học cho mọi người dân. Nhiệm vụ này đã có chính sách khuyến khích được quy định rõ ràng. Song xã hội hóa cần thực hiện theo hướng đảm bảo chất lượng nguồn cung cấp dịch vụ giáo dục đại học chất lượng, phù hợp với mục tiêu giáo dục, không thể đi ngoài quỹ đào đã đặt ra.