Phát biểu tại Hội thảo, Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành nhấn mạnh, trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, báo chí, xuất bản luôn là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.
Bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động báo chí, xuất bản ở Việt Nam có sự chuyển mình mạnh mẽ và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Báo chí, xuất bản từng bước đổi mới, tiếp cận khoa học, công nghệ hiện đại và thực sự đóng vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu, không lành mạnh; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;… góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.
Theo ông Phạm Chí Thành, những năm vừa qua, lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, báo chí, xuất bản nước ta đã bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, nảy sinh tư tưởng tiêu cực trong nhân dân; nhiều nội dung giáo dục, tuyên truyền trên hệ thống báo chí, xuất bản tỏ rõ sự bất cập, không phù hợp với tình hình hiện nay. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ những kết quả nghiên cứu, nhận xét, đánh giá khách quan về vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ở Việt Nam hiện nay. Kết quả Hội thảo góp phần cung cấp những luận cứ khoa học làm cơ sở để tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới hoạt động báo chí, xuất bản để báo chí, xuất bản phát huy tốt hơn nữa vai trò trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Tính đến tháng 11/2018, cả nước có trên 19.000 nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo; số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 23.893 người, đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp Hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, 19 Liên Chi hội và 215 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội.
Ông Phạm Chí Thành cho hay, hiện nay, Việt Nam đang có 59 nhà xuất bản hoạt động. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn ngành sách đã có gần 32.000 cuốn sách mới với hơn 390 triệu bản, tăng 20,6% so với năm 2017. Cục Xuất bản, In và Phát hành đã cấp 4.266 giấy xác nhận đăng ký xuất bản, tăng 1,8% so với năm 2017. Số lượng xuất bản phẩm được làm ra, lưu chiểu cũng tăng vượt trội, tăng 20,6% về số cuốn, tăng 24,7% về số bản so với cùng kỳ năm 2017.
"Với hệ thống báo chí, xuất bản hùng hậu và hoạt động sôi động như vậy, nhưng vẫn có lúc, có nơi chúng ta để trống trận địa, để mạng xã hội lấn lướt và để các lực lượng thù địch, phản động tấn công trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Để xảy ra tình trạng đó, chúng ta không thể không xem xét đến vai trò, trách nhiệm của báo chí, xuất bản", ông Phạm Chí Thành nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, công tác tư tưởng, lý luận góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự chuyển biến" trong một bộ phận cán bộ đảng viên; góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ vững chắc nền tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc cho rằng, công tác tư tưởng phải đổi mới thật sự về nội dung và cách thức phù hợp với tình hình hiện nay.
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, toàn cầu hóa, quốc tế hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với những diễn biến rất phức tạp, khó lường; cách mạng khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, tiến đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc đấu tranh tư tưởng, chính trị vẫn diễn ra gay gắt, xu thế đa cực hóa tiếp tục được định hình; cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt; xuất hiện những vấn đề toàn cầu cấp bách; nhiều trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới được hình thành, truyền bá và ảnh hưởng sâu, rộng trên phạm vi toàn cầu. Để phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ở Việt Nam hiện nay, công tác tư tưởng phải gắn liền với việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, kỷ luật Đảng; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức...
Các vị đại biểu đã tập trung phân tích những tác động của bối cảnh trong nước, quốc tế đến vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ở Việt Nam hiện nay; thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ở Việt Nam hiện nay; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy tối đa vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ở Việt Nam trong thời gian tới.