Đặc biệt, trong các đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nước ta, cùng với các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thông tin đến người dân các biện pháp phòng, chống dịch; các kế hoạch triển khai công tác an sinh xã hội của chính quyền...
Giúp người dân chuyển đổi mạnh mẽ từ hành vi đến nhận thức
Phát huy vai trò của công tác tuyên truyền trong phòng, chống dịch, thời gian qua, loa truyền thanh tại tỉnh Hà Nam đã trở thành kênh thông tin "đắc lực" giúp người dân nắm thông tin về tình hình dịch bệnh. Hệ thống loa truyền thanh của địa phương luôn hoạt động hết công suất và phát vào nhiều khung giờ trong ngày; các bản tin nóng được đọc phát trực tiếp, lặp lại 2 - 3 lần, với nội dung thông tin ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, để đảm bảo mọi người dân luôn nắm được dễ dàng, đầy đủ các thông tin liên quan đến dịch bệnh ở địa phương.
Trước "rừng" thông tin về dịch bệnh cập nhật hàng phút, hàng giây trên mạng xã hội rất nhiễu loạn, người dân rất khó lựa chọn ra những thông tin tin cậy; do đó những thông tin từ hệ thống loa phường - tiếng nói của Đảng, Nhà nước ở địa phương luôn được người dân lựa chọn tiếp nhận, vì đó là những thông tin chính thống, tin cậy, sát với tình hình thực tế địa phương.
Trong những ngày bùng phát dịch bệnh tại nhiều nơi tại Hà Nam, những chiếc loa truyền thanh còn theo chân các chiến sỹ tuyến đầu chống dịch tuyên truyền lưu động, len lỏi khắp các nẻo đường, ngõ xóm, khu dân cư để thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền cơ sở. Việc này đã giúp người dân chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành vi ứng xử, nhờ đó hầu hết ở các địa bàn có phong tỏa người dân đều tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch...
Thời gian qua, nhất là trong thời gian Bắc Giang trở thành tâm điểm của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, hệ thống đài truyền thanh cơ sở kịp thời tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; việc truy vết, xử lý các ổ dịch trên địa bàn; phương án đưa các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất; tinh thần chống dịch của các lực lượng tuyến đầu; kế hoạch tiêm vaccine cho người dân… đảm bảo thống nhất, hiệu quả, đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, hệ thống truyền thành cơ sở đã sản xuất, phát sóng được 2.550 chương trình phát thanh gốc, với tổng số 20.772 lượt tin bài phát thanh, trong đó số tin bài tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 được trên 10 nghìn lượt tin bài. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông trong hoạt động thông tin cơ sở được triển khai đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã phủ sóng thông tin di động, truy cập internet tốc độ cao đạt 100% các xã, phường, thị trấn.
Việc lập nhóm Zalo thông tin cơ sở, với sự tham gia của 300 thành viên là những cán bộ làm công tác quản lý hoạt động thông tin tuyên truyền từ cấp tỉnh đến cấp xã đã giúp công tác chỉ đạo, định hướng thông tin chính thống tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ đến người dân được kịp thời đạt hiệu quả, qua đó chính quyền, người dân cùng nắm bắt thông tin để có phản hồi từ cơ sở nếu có khó khăn cần tháo gỡ...
Đây là chỉ là hai ví dụ về vai trò của hệ thống thông tin cơ sở đã, đang hàng ngày, hàng giờ tuyên truyền về các định hướng phòng, chống dịch COVID-19, giúp người dân nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác. Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Trước sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin hiện đại, người dân có điều kiện tiếp cận thông tin hơn so với trước.
Song thông tin tin cơ sở vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi đây là phương tiện truyền thông ở cấp cơ sở gần dân nhất, phù hợp với trình độ dân trí, ngôn ngữ, phong tục tập quán của từng nhóm nhỏ người dân, giúp người dân có thể tiếp nhận những thông tin thiết thực với mình mà các phương tiện truyền thông khác chưa đáp ứng được. Đặc biệt, lợi thế của thông tin cơ sở đang được phát huy hiệu quả ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Thông tin cơ sở là một bộ phận quan trọng trong công tác chính trị, tư tưởng của Đảng, Nhà nước, cung cấp các thông tin thiết yếu, trực tiếp đến người dân ở xã, phường, thị trấn thông qua hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, xã; bản tin tài liệu, thông tin, bảng thông tin công cộng; thông tin trực tiếp qua báo cáo viên và hoạt dộng của các thiết chế thông tin khác ở cơ sở.
Trong các loại hình khác nhau của thông tin cơ sở, truyền thanh cơ sở (xã, phường, thị trấn) là loại hình thông tin chủ lực, phát huy được vai trò, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở, đưa thông tin thiết yếu đến người dân. Với tổng số 9.792 đài truyền thanh/10.599 xã, phường, thị trấn; 666 cơ sở phát thanh cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy vai trò là kênh thông tin thiết yếu, với khả năng tiếp cận được khoảng 80 triệu người; thông tin nhanh, trực tiếp; giá thành đầu tư, quản lý rẻ.
Nâng cao chất lượng truyền tải thông tin
Ông Nguyễn Văn Tạo cho biết: Thời gian qua, Cục Thông tin cơ sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt thông tin tuyên truyền trên mọi mặt trận. Đặc biệt trong bối cảnh hiai năm qua, khi cả nước "gồng mình" chống chọi với đại dịch COVID-19, Cục đã tham mưu, ban hành gần 40 văn bản; 22 file âm thanh; 16 tài liệu tuyên truyền về phòng, chống dịch gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở.
Cùng với hệ thống báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đã kịp thời, nhanh chóng, chính xác về công tác phòng, chống dịch COVID-19. các chỉ đạo, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia và các cơ quan chức năng đến người dân. Hệ thống truyền thanh cấp huyện, xã đã hoạt động thường xuyên, liên tục, tần suất phát sóng tăng 3-6 lần/ngày trong các đợt dịch cao điểm (ít nhất tăng gấp 2 lần so với trước), thậm chí phát cả vào ban đêm đối với các xã, phường "đông cứng" có ỷ lệ người mắc COVID-19 cao, cứ hai tiếng phát 1 lần, mỗi lần 30 phút.
Tuyên truyền bằng các các hình thức, phương tiện khác, như: tuyên truyền lưu động xe thông tin lưu động, xe máy gắn loa phóng thanh, xuồng máy gắn loa phóng thanh, loa kéo, loa cầm tay... trên các tuyến phố, ngõ ngách khu dân cư, người dân sống ở ven kênh rạch ở vùng xâu, vùng xa trung tâm xã; tăng cường sử dụng tờ rơi, tờ gấp; truyền thông trên mạng xã hội Zalo, Viber, Facebook... để cung cấp thông tin đến người dân. Nội dung tuyên truyền được thực hiện sinh động, với nhiều hình thức đa dạng, trực tiếp đến người dân, phù hợp với từng cấp độ dịch trên từng địa bàn, tại từng thời điểm cao điểm và đợt thấp điểm.
Hệ thống thông tin cơ sở thời gian qua đã hoạt động với cường độ rất cao, huy động tối đa các phương tiện hiện có từ thô sơ, đến hiện đại, trên tinh thần có gì dùng đó, cùng với sự nhiệt tình, nỗ lực của từng cán bộ làm công tác thông tin cơ sở "đi từng ngõ, gõ từng nhà" đã góp phần chuyển tải những thông tin cần thiết nhất về phòng, chống dịch đến người dân, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo thành thị, người dân vùng ven đô, vùng nông thôn, miền núi. Hệ thống thông tin cơ sở đã thực sự phát huy sức mạnh là tiếng nói, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương bên cạnh người dân trong lúc khó khăn nhất; đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin đến người dân các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các kế hoạch triển khai công tác an sinh xã hội của chính quyền.
Truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống thông tin cơ sở trong việc cung cấp những thông tin thiết yếu đến người dân một cách nhanh nhất, thiết thực, gần gũi và hiệu quả; tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Trên thực tế, đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở còn mỏng về lực lượng, lại dồn sức tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch của địa phương nên không có điều kiện thực hiện các sản phẩm tuyên truyền chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Văn Tạo, để nâng cao chất lượng nội dung truyền tải trên hệ thống thông tin cơ sở, cần đầu tư nguồn lực cho cán bộ làm công tác này. Trong điều kiện khẩn cấp cần tổ chức các file âm thanh từ cơ quan chuyên môn ở Trung ương chuyển thẳng về địa phương để phát sóng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin về những diễn biến mới để người dân có cái nhìn tổng thể về mức độ kiểm soát dịch ở Việt Nam, cũng như chuẩn bị tâm thế ứng phó với những diễn biến của dịch trong thời gian tới; tập trung xây dựng hiện đại hóa hệ thống truyền thông cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã để thực hiện công tác thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch. Khai thác tối đa ưu điểm của các phương tiện truyền thông hiện có, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để truyền tải thông tin đến người dân một cách đầy đủ, nhanh nhất.