Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về vấn đề này.
Thưa Bộ trưởng, tháng 3/2019, Chính phủ đã có Nghị quyết tập trung đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử. Bộ trưởng có thể cho biết những thành tựu đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chính phủ điện tử thời gian qua?
Ngày 3/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/ NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, đưa ra lộ trình, mục tiêu, giải pháp cho quá trình triển khai xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá đúng hướng, phù hợp với xu hướng phát triển CPĐT trên thế giới hiện nay.
Trong thời gian ngắn, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là, nâng cao vai trò của người đứng đầu, thiết lập cơ quan chỉ đạo liên ngành ở trung ương là Ủy ban Quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban và tại bộ, ngành, địa phương là các ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh làm trưởng ban.
Khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT từng bước được hoàn thiện, như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; thông qua các đề nghị xây dựng các nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻdữ liệu số, về định danh và xác thực điện tử, về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử... Một số đề án phục vụ xây dựng CPĐT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như đề án Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia...
Đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin quan trọng chuyển đổi phương thức làm việc từ giấy sang môi trường điện tử, thay đổi phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, ít giấy tờ và cắt giảm chi phí hành chính, như: Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet; tiếp đến, Quý I/2020 là hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và quý IV/2020 là hệ thống thông tin tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh đã được quan tâm và cải thiện, số cuộc tấn công mạng và các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố tháng 7/2019, Việt Nam tăng 50 bậc về chỉ số an toàn, an ninh thông tin so với năm 2017, đứng thứ 50/194 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đã huy động được sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trong nước tiếp cận, thử nghiệm các công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng triển khai các hệ thống thông tin CPĐT và sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế.
Xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa Nghị quyết 52/NQ-TƯ của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy phát triển CPĐT, tiến tới Chính phủ số, đặc biệt là các giải pháp về đổi mới thể chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực?
Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/ TW ngày 1/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đây chính là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về CNTT, là kim chỉ nam cho các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT, CPĐT của Việt Nam.
Tiếp đến, nhận định cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước, ngày 27/9/2019, Bộ Chính đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TƯ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đề ra những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, những mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Triển khai các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quan trọng, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, trong đó đặt ra mục tiêu: Đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025.
Dưới sự quyết liệt, quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tích cực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, đến nay, nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về xây dựng, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực… đã được triển khai bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Về phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ đã giao các bộ, ngành tiếp tục tham mưu thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần nguồn nhân lực của Việt Nam theo phương pháp đánh giá CPĐT của Liên hợp quốc; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế liên quan để cung cấp các số liệu kịp thời, đầy đủ.
Xin Bộ trưởng cho biết thêm về giải pháp nhằm xây dựng và triển khai nhanh chóng các hệ thống ứng dụng DVC trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ?
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ xây dựng Cổng DVC quốc gia kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng DVC. Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành đưa vào vận hành trong năm 2019 và tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2020 - 2025. Với mục tiêu trong giai đoạn 2019 - 2020 đưa tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của từng bộ, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên.
Tích hợp 30% các DVCTT mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng DVC quốc gia. 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Đáng chú ý, ngày 9/12/2019 đã khai trương Cổng DVC quốc gia, với 8 nhóm DVC được cung cấp trong tháng đầu vận hành, tiếp đến, hàng năm sẽ kết nối, tích hợp thêm 20% DVC trong tổng số DVCTT mức độ 3, 4 của bộ, ngành, địa phương với Cổng DVC quốc gia cho tới khi hoàn thành.
Với những giải pháp về pháp lý, kỹ thuật, công nghệ, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa TTHC như đã nêu, tin tưởng rằng Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVC của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp DVC không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.
Thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC thông qua việc ứng dụng CNTT; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số DVCTT trong chỉ số phát triển CPĐT của Liên hợp quốc.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!