Kế hoạch nhằm xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để từ đó đề ra giải pháp xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW.
Đồng thời, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chính, trọng tâm trong việc xây dựng Đề án, dự án, sản phẩm đồng thời tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Chủ động phối hợp tổ chức, triển khai thực hiện thống nhất đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 31-CT/TW; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; xác định rõ phát triển kinh tế phải gắn với việc bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sức khỏe của người lao động.
Bảo đảm người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động
Một nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch là nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó, tổ chức quán triệt, hướng dẫn, tuyên truyền và phổ biến nội dung Chỉ thị số 31-CT/TW và Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.
Kế hoạch góp phần đẩy mạnh, đa dạng hóa, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động; coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước triển khai thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, nhân rộng các gương điển hình, mô hình, kinh nghiệm hay trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào thi đua về công tác an toàn, vệ sinh lao động, hình thành văn hóa an toàn lao động; tổ chức các hoạt động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, phối hợp Tháng Công nhân thiết thực hiệu quả, hướng về cơ sở; coi trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá, khen thưởng trong thực hiện phong trào thi đua và công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Các bên liên quan rà soát, đề xuất lồng ghép các nội dung tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho trẻ em, học sinh các cấp và giáo dục thường xuyên.
Rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật
Kế hoạch đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật; rà soát, khắc phục kịp thời vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đồng bộ, đầy đủ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với dự thảo chính sách an toàn, vệ sinh lao động liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (bao gồm cả lực lượng vũ trang), tạo đồng thuận của xã hội trong xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Tăng cường xử lý vi phạm
Kế hoạch nêu rõ cần từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác báo cáo, thống kê, cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, thanh tra lao động, thanh tra an toàn, vệ sinh lao động các cấp. Đồng thời tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp về tình hình thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động kịp thời, đúng quy định pháp luật.
Các bên liên quan có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, chú trọng kiểm soát điều kiện lao động; nghiên cứu cơ chế kiểm soát chất lượng các hoạt động: huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Quản lý và nâng cao năng lực cho người làm công tác y tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tăng cường xử lý các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của người dân, người lao động. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng và gây bức xúc trong dư luận xã hội nhằm răn đe và tuyên truyền tính nghiêm minh của pháp luật.