Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 13 diễn ra sáng 14/6 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.
Phóng viên TTXVN thường trú tại các tỉnh Kon Tum, Thái Nguyên, Đồng Nai đã ghi lại một số ý kiến của cử tri về phiên chất vấn này:
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN |
* Trả lời thẳng thắn, cụ thể, đi vào trọng tâm Cử tri Nguyễn Văn Sơn, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết: Trong lần chất vấn này, các đại biểu Quốc hội đã đưa nhiều câu hỏi sát với tình hình thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước. Đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lời đúng, thẳng thắn, đi vào trọng tâm, trọng điểm.
Trong phần trả lời, chúng tôi tâm đắc nhất là nội dung về các giải pháp xây dựng nguồn nhân lực, vấn đề đào tạo cán bộ ngay ở trong nước và cả nước ngoài. Đây là vấn đề rất đúng và rất thực tế với những khó khăn về nguồn nhân lực (nhất là tuyến huyện) và trình độ chuyên môn của lực lượng cán bộ Kiểm sát tại địa phương như tỉnh Kon Tum.
Cử tri Trần Mạnh Long, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum đồng tình đánh giá phần trả lời của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao là rõ ràng, cụ thể, đi thẳng vào các vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Ông Long cũng nhất trí với giải pháp được người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đưa ra như: cần phối hợp với cơ quan Điều tra, Tòa án để nâng cao chất lượng xét xử; khắc phục biểu hiện kéo dài thời gian; giảm án treo trong các vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng… Tuy nhiên, ông cho rằng có nội dung Viện trưởng trả lời còn dài và chưa cụ thể, chưa gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành, trong phạm vi phụ trách.
* Cần có giải pháp xử lý các vụ án về kinh tế, tham nhũng và giảm dần án oan sai Theo dõi phần trả lời chất vấn qua sóng phát thanh, truyền hình, Thạc sỹ khoa học Hoàng Thị Quỳnh Ngân - Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho rằng câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã nêu trúng những vấn đề bức xúc của cử tri xung quanh việc nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Kiểm sát hiện nay. Phần trả lời của Viện trưởng khá đầy đủ, nhất là các vấn đề về phát triển nguồn nhân lực của ngành, nhân lực cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, thực hiện cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát.
Tuy nhiên, nội dung mà cử tri quan tâm là giải pháp để xử lý các vụ án về kinh tế, tham nhũng, khắc phục hạn chế về án kinh tế, tham nhũng có tỷ lệ án treo quá cao... chưa được rõ lắm, chưa thấy được những giải pháp cơ bản của ngành Kiểm sát, trả lời còn dài dòng. Vấn đề "hình sự hóa" án dân sự, giải quyết các vụ việc liên quan đến vay nặng lãi, kiểm sát thi hành án dân sự... chưa được Viện trưởng đưa ra các giải pháp giải quyết cụ thể, rõ ràng.
Cử tri Hoàng Thị An - nguyên Thẩm phán nhân dân thành phố Thái Nguyên cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cơ bản giải đáp được những thắc mắc, bức xúc của cử tri liên quan đến ngành Kiểm sát. Viện trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận các bất cập trong công tác tố tụng, kiểm sát thực hiện các bản án, nhất là án dân sự, có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ ràng, án kinh tế kéo dài, giải quyết đơn thư giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng.
Đặc biệt, cử tri rất hoan nghênh Viện trưởng nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề "chạy án", đồng thời có thái độ kiên quyết trong xử lý liên quan đến các vụ việc lợi dụng quyền hạn để trục lợi, xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch. Cử tri kỳ vọng, sau kỳ họp và tiếp thu các ý kiến của cử tri, ngành Kiểm sát tăng cường kiểm sát tư pháp, tiếp tục có các giải pháp cụ thể trong cải cách tư pháp, giảm dần tình trạng án oan sai, khởi tố bị can không có căn cứ, trái pháp luật.
* Cần có một cuộc cải cách mạnh mẽ trong ngành Tư pháp, đặc biệt đối với ngành Kiểm sátCử tri Hoàng Như Vĩnh, Phó Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã đi vào trọng tâm và nêu bật những vấn đề còn tồn tại của ngành Tư pháp và quyền công tố, quyền kiểm sát của ngành Kiểm sát. Thực tế, hiện nay các vụ án còn tồn đọng vẫn quá cao, tỷ lệ án treo đối với án kinh tế và án tham nhũng vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn với trên 30%. Ngoài ra, còn những vấn đề khác như tại sao có nhiều vụ án phải xử đi xử lại nhiều lần, tuyên vô tội rồi lại xử lại; nhiều bản án tuyên không rõ ràng, cơ sở chứng cứ pháp luật còn mù mờ.
Cử tri Hoàng Như Vĩnh cho rằng, để khắc phục tình trạng trên cần có một cuộc cải cách mạnh mẽ trong ngành Tư pháp. Và 3 vấn đề cơ bản để thực hiện cuộc cải cách đó là phải đi thẳng vào thực tế những tồn tại của ngành Tư pháp để chỉ rõ trách nhiệm và vai trò của từng bộ phận, đặc biệt đối với ngành Kiểm sát; cần có những quy định pháp luật rõ ràng hơn cho ngành Tư pháp; và vấn đề quan trọng đó là con người. Đối với ngành Kiểm sát, cần phải thực hiện việc đào tạo và đào tạo lại đối với lực lượng Kiểm sát viên. Có nâng cao trình độ của Kiểm sát viên và cán bộ kiểm sát thì lúc đó chất lượng tố tụng mới được nâng cao.
Đối với vấn đề phối hợp với Liên đoàn Luật sư để có sự thống nhất và tạo điều kiện cho lực lượng luật sư tham gia nhiều hơn vào các vụ án nhằm nâng cao chất lượng tố tụng, cử tri Hoàng Nh ư Vĩnh cho rằng, việc làm này cần phải thực hiện ngay. Một khi lực lượng luật sư được tạo điều kiện tốt nhất khi tham gia các vụ án và quá trình tố tụng, thì chắc chắn chất lượng của những công đoạn này sẽ được nâng cao hơn.
Luật sư Vĩnh nói, tại phiên trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đã nêu lên nhiều giải pháp, tuy nhiên một số giải pháp còn mang tính chung chung. Để cải cách ngành tư pháp, những giải pháp này cần được cụ thể hoá và có sự phối kết hợp với nhiều lực lượng, nhiều ngành nhằm từng bước nâng cao chất lượng kiếm sát, tố tụng của ngành Kiểm sát.
Sỹ Thắng, Hoàng Thảo Nguyên, Sỹ Tuyên (thực hiện)