Năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp không cao
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hành lang pháp lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng được hoàn thiện. Kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ có xu hướng tăng. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển nhanh. Một số trường đại học, viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến, hiện đại được hình thành…
Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra, sự liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương, giữa các tổ chức nghiên cứu, phát triển, các trường đại học, doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ. Hoạt động của một số tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ chưa cao; thiếu cơ chế để xây dựng các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó, năng lực tiếp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp không cao. Việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) còn hạn chế.
Bất cập tại một số trạm thu phí BOT chưa được xử lý dứt điểm
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Nhiều văn bản liên quan đến hình thức đối tác công - tư, việc công khai, minh bạch các thông tin về dự án, các giải pháp xử lý nhằm thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước được ban hành. Vị trí đặt trạm thu phí BOT được rà soát tổng thể và có các chính sách miễn, giảm giá cho các đối tượng chịu ảnh hưởng.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội chỉ rõ, kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm chưa được tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chưa làm rõ tình hình thực hiện các kết luận của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước… Việc sửa đổi quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng vẫn còn chậm. Đáng chú ý, những bất cập tại một số trạm thu phí BOT vẫn chưa được xử lý dứt điểm; việc thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí vẫn còn tồn tại. Việc triển khai thu phí tự động không dừng trên tất cả các trạm còn chậm; tình trạng mất an toàn, an ninh, trật tự tại một số địa phương có dự án đi qua vẫn diễn ra. Một số các công trình giao thông BOT chất lượng còn thấp, chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời khi xuống cấp.
Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề cấp bách
Đánh giá kết quả đạt được khi thực hiện Nghị quyết số 459/NQ-UBTVQH14, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, hệ thống chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh ngày càng được hoàn thiện. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản bước đầu đã phát huy hiệu quả. Đội ngũ tàu khai thác hải sản đã phát triển nhanh cả về số lượng, công suất, chủng loại và từng bước được hiện đại hóa. Sự phối hợp giữa các lực lượng trên biển được thực hiện đồng bộ; tàu thuyền khi xuất, nhập bến được kiểm soát chặt chẽ; tàu cá và ngư dân Việt Nam khi gặp sự cố, bị nước ngoài bắt giữ trái phép được hỗ trợ kịp thời. Các tàu cá nước ngoài xâm phạm, khai thác hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam bị ngăn chặn và xử lý nghiêm. Thế trận quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc được xây dựng từng bước vững chắc.
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển, đảo vẫn còn hạn chế. Các loại tàu thuyền, trang thiết bị còn lạc hậu, chưa đồng bộ; việc đóng tàu cho ngư dân không bảo đảm chất lượng, gây tốn kém, lãng phí. Việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở một số địa phương còn lãng phí, kém hiệu quả, nguồn thủy sản bị đánh bắt cạn kiệt, hệ sinh thái biển bị suy thoái; việc khai thác chưa gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách. Hiệu quả việc dân sự hóa trên biển, đảo chưa cao, chưa thu hút được người dân sinh sống, làm ăn lâu dài trên đảo. Dịch vụ hoạt động nghề cá chưa tốt, công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng hoạt động trên biển cho ngư dân còn hạn chế. Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn; chưa có chính sách hiệu quả thu hút nguồn lực xã hội tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị.
Hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn ODA chưa chuyển biến mạnh mẽ
Thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra nhận định, Luật Đầu tư công đã được sửa đổi và định hướng thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 – 2025 được ban hành. Việc huy động vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với chi phí thấp và mức độ rủi ro hợp lý được thực hiện cơ bản là tốt. Mức dư nợ công thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 – 2020; quy mô, danh mục nợ Chính phủ được kiểm soát.
Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chưa có chuyển biến mạnh mẽ; vẫn tồn tại những dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả, từ khâu huy động (đàm phán hiệp định, điều kiện vay), đến việc thực hiện, sử dụng vốn. Công tác phân bổ, giao kế hoạch cho từng dự án cụ thể chưa được thực hiện kịp thời. Mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách trung ương rất thấp.
Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp
Đối với việc thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội cũng chỉ rõ những hạn chế đối với từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội, việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng còn chậm. Tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài liên quan đến việc giải quyết các hồ sơ, trường hợp hưởng chế độ chính sách vẫn diễn ra. Việc đổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; chưa hình thành được những cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, tiếp cận trình độ quốc tế.
Trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, việc định hướng, quản lý báo chí chưa đạt yêu cầu đề ra; còn lúng túng trong phối hợp xử lý thông tin; thông tin trên báo chí trong một số trường hợp còn chậm hơn so với diễn biến thực tế và các trang mạng xã hội. Nhiều cơ quan báo chí đưa tin theo hướng giật gân, câu khách, gây phản cảm; liều lượng thông tin tiêu cực, đi sâu về mặt trái của xã hội nhiều hơn các thông tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt.
Trong lĩnh vực Xây dựng, việc triển khai các đề án, dự án cấp quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật chưa đạt hiệu quả cao. Tình trạng ngập úng, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều đô thị. Việc sử dụng quy chuẩn, quy hoạch xây dựng trong quản lý xây dựng chưa được thực hiện nghiêm. Quy định về quản lý chung cư vẫn còn bất cập dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, báo cáo thẩm tra chỉ rõ, tiến độ chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Việc đề nghị điều chỉnh thời gian trình, xin rút hoặc bổ sung dự án mới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn xảy ra; một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chưa có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn. Một số Ban soạn thảo hoạt động còn hình thức. Sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; giữa cơ quan thẩm tra với cơ quan soạn thảo chưa sâu.
Trong lĩnh vực dân tộc, việc thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, do đó chưa xác định rõ các việc đã làm và chưa làm, số kinh phí cần thực hiện, trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị, kết quả thực hiện chưa sát với các nội dung Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiến độ ban hành các chính sách chậm; chưa khắc phục kịp thời một số tồn tại, hạn chế trong việc bố trí vốn đã được chỉ ra.
Liên quan đến lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ, quy trình điều tra, truy tố, xét xử các hành vi xâm hại trẻ em chưa được ban hành. Số vụ phạm pháp hình sự tăng so với cùng kỳ năm trước; tội phạm do các băng, nhóm hoạt động “tín dụng đen” gây ra, một số vụ giết người với thủ đoạn dã man, tàn bạo vẫn diễn ra nghiêm trọng. Nhiều đường dây vận chuyển, mua bán ma túy lớn vẫn hoạt động mạnh. Việc mở rộng điều tra đối với vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 vẫn còn chậm. Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp. Số lượng các vụ án tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; vẫn còn trường hợp đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng bỏ trốn. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm. Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn thấp.