Đoàn đã đến kiểm tra dự án xây dựng tuyến đường nối Cách Mạng Tháng Tám – Đường tỉnh 918 thuộc Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ quy mô 500 giường.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Cần Thơ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công các công trình; tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm mang tính đột phá để phát triển thành phố cũng như tạo sức lan toả để phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng.
Đối với Dự án Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, dự án này rất quan trọng và ý nghĩa với thành phố Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, tiến độ xây dựng bệnh viện đã hoàn thành hơn 80%, còn trang thiết bị vẫn đang bị vướng mắc bởi nhiều yếu tố. Vì vậy Cần Thơ cần tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để cùng tháo gỡ khó khăn.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND thành phố Cần Thơ quan tâm đến công trình này bởi chỉ còn 6 tuần nữa là đến hạn trong khi điều chỉnh hoặc là ký mới hiệp định vay thì hết sức phức tạp. Do vậy, thành phố cần nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành để liên hệ với phía Hungary nhằm thống nhất, giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc của dự án để công trình sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động.
Dự án đường nối Cách Mạng Tháng Tám – Đường tỉnh 918 có tổng mức đầu tư 322,5 triệu USD gồm vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng. Còn dự án đầu tư xây dựng Bệnh viên Ung Bướu thành phố Cần Thơ có tổng mức đầu tư gần 1.728 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Hungary là 56.927.480 Euro (tương đương hơn 1.393 tỷ đồng, chiếm hơn 80,66%) và vốn đối ứng của TP Cần Thơ là 13.646.520 Euro (tương đương hơn 334 tỷ đồng, chiếm hơn 19,34%). Chủ đầu tư dự án là Sở Y tế Cần Thơ và thời gian thực hiện từ năm 2015-2022.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu của Cần Thơ đang gặp một số vấn đề như: 71 container hàng hóa vật liệu và gạch ốp lát phục vụ thi công do chậm trễ trong việc thông quan trong thời gian vừa qua nên đã làm phát sinh chi phí.
Bên cạnh đó, Liên danh Nhà thầu EPC đề nghị điều chỉnh tỷ lệ 50% hàng hóa xuất xứ các trang thiết bị y tế chuyên dùng so với hợp đồng đã được ký kết nên phát sinh các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, thời gian thực hiện dự án theo Hiệp định đã được ký kết sẽ kết thúc vào ngày 11/7/2022.
Để có thời gian hoàn thành tiếp các công việc còn lại sau ngày 11/7/2022 và đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để giải ngân nguồn vốn vay của dự án đến khi hoàn thành công trình bàn giao đưa vào sử dụng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, yêu cầu cấp thiết hiện nay cần phải điều chỉnh thời hạn rút vốn của khoản vay cho dự án. Do đó, thành phố Cần Thơ mong sớm điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án và tái ký kết Hiệp định khung.
Theo ông Lê Quang Mạnh, thời gian dự kiến điều chỉnh sẽ từ 42 tháng (3,5 năm) thành 78 tháng (6,5 năm) tính từ ngày Hiệp định vay có hiệu lực là ngày 11/01/2019 đến 11/7/2025 để đảm bảo thời gian hoàn thành dự án.