Ngày 13/4, tại thành phố Hạ Long, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực; về xây dựng đề án Khu Hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho biết: Thời gian qua, Quảng Ninh đã tiến hành rà soát trong hệ thống chính trị về phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế.
Tỉnh đã thẳng thắn nhận định những hạn chế, yếu kém từ thực tiễn, mạnh dạn đề ra các giải pháp để từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế. Từ đó, tỉnh đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25) và ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU, trong đó lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm với phương châm “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm”.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh. |
Sau 2 năm triển khai, thực hiện Đề án, Quảng Ninh đã thể hiện rõ kết quả nâng cao năng lực lãnh đạo qua sự lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược của Đảng; thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) để thực hiện công khai, minh bạch các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết thêm: Tỉnh Quảng Ninh luôn thống nhất trong tư tưởng và quyết tâm trong hành động chính trị, luôn chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, xác định rõ những nhiệm vụ cần ưu tiên trước mắt để tập trung triển khai. Đặc biệt trong công tác cán bộ, tỉnh chú trọng phân công công việc phù hợp, đồng thời quan tâm đến cơ chế người đứng đầu và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ.
Trong công tác quy hoạch cán bộ, tỉnh luôn đổi mới cơ chế, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mở rộng xã hội hóa; huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển; thực hiện hợp tác công - tư theo các mô hình “lãnh đạo công - quản trị tư”; “đầu tư công - quản lý tư” và “đầu tư tư - sử dụng công”. Tỉnh triển khai mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã và cấp huyện; nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, sắp xếp lại bộ máy, tổ chức, nhất là ở ngành Y tế, Giáo dục... Hằng năm, Quảng Ninh thực hiện rà soát để giảm dần ngân sách Nhà nước cấp, tăng tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị Trung ương hướng dẫn một số nội dung như: nghiên cứu lại mô hình Đảng ủy khối cơ quan tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh theo hướng cơ cấu lại thành các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và bổ sung chức năng cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy thực hiện công tác đảng vụ.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt trong triển khai. Vì vậy, rất cần sự hiến kế từ thực tiễn công tác của các địa phương, đơn vị...
Về Đề án Khu Hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng Khu Hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là cần xây dựng một bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý; thiết lập các thể chế hành chính, đầu tư, thương mại theo chuẩn mực quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư, thương mại quốc tế, bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam. Các thể chế, chính sách này phải bảo đảm tính nhất quán, ổn định và lâu dài...
Để xây dựng một dự án luật chung bao gồm các quy định chung và quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với từng đơn vị Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cần chủ động, sớm xây dựng và đề xuất các chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt đối với Vân Đồn để quy định trong luật, bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận kết quả trong thực hiện tinh giản bộ máy biên chế, sáp nhập cơ quan, nhất thể hóa chức danh, xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công... ở tỉnh Quảng Ninh. Cơ cấu tổ chức, chức năng của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của địa phương đã được kiện toàn, qua đó ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Cách làm của Quảng Ninh sẽ là bài học cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo, học tập; là tư liệu quý để Ban Chỉ đạo Trung ương 6 tổng hợp, xây dựng các Đề án về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Trung ương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của một số cán bộ còn chưa nghiêm túc; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, quyết liệt; người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền chưa phát huy hết trách nhiệm…
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu, Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu kỹ việc nhất thể hóa các chức danh, sáp nhập các phòng, ban, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc đề bạt, bổ nhiệm các cán bộ. Đồng thời, rà soát, sắp xếp đơn vị công lập theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; kịp thời đề xuất với Chính phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đặt vấn đề: Quá trình thể chế hóa thành luật đối với đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt này cần phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành nhưng phải có sự vượt trội về hạ tầng, thuế quan, tín dụng, tài chính để thu hút nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao; thiết kế mô hình của các cơ quan tư pháp như thế nào để xử lý đúng thẩm quyền các tranh chấp kinh tế, thương mại cũng như đối với các tội phạm về công nghệ cao, sở hữu trí tuệ.
Nhiều vấn đề từ thực tiễn đặt ra đòi hỏi cần tiếp tục có nhiều cuộc làm việc, đánh giá cụ thể, kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, xác định quy hoạch và thu hút nhà đầu tư chiến lược để chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng khi trình Quốc hội dự thảo Luật đơn vị Hành chính - kinh tế đặc biệt để Quốc hội xem xét, cho ý kiến, để khi Luật được thông qua sẽ thúc đẩy kinh tế các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phát triển mạnh mẽ, phát huy được lợi thế, hiệu quả...