Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: EVN tiếp tục là tập đoàn trụ cột trong cung cấp điện

Sáng 4/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: EVN là tập đoàn năng lượng chủ lực đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong năm qua. Cùng với việc tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư để chống thất thoát, EVN cũng đẩy mạnh tái cấu trúc để năng lực phát triển bền vững; tích cực cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh. EVN vừa là ngành sản xuất, vừa là ngành phục vụ, đóng góp điện năng vào các sản phẩm của nền kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu sử dụng điện trong những năm tới vẫn còn tăng cao, cụ thể theo Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW và đến năm 2025 là 96.500 MW. Ngành điện đứng trước những thách thức như tốc độ tăng trưởng nguồn điện là rất lớn nhưng vẫn phải đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm để giảm đầu tư; trong đó vấn đề đảm bảo môi trường phải đạt yêu cầu.

Mặt khác, cơ cấu nguồn điện hiện nay đã được thay đổi, chuyển sang các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Sức ép ngành điện còn từ nguồn cung. Nếu không đưa kịp các dự án vào thì phía Nam có khả năng thiếu điện những năm tới. Trong khi năng lực tài chính còn hạn chế thì không đảm bảo nhu cầu điện cung cấp cho phát triển kinh tế- xã hội.

Để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng yêu cầu EVN tiếp tục khẳng định là Tập đoàn trụ cột trong việc thực hiện cung cấp điện. Đặc biệt tham mưu cho Chính phủ và Bộ Công Thương rà soát lại công tác quy hoạch điện, quy mô công suất, gắn tăng trưởng đầu tư với phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ cấu lại các nguồn điện cho phù hợp với khả năng cung cấp, điều kiện của nền kinh tế, tiềm năng của Việt Nam, tìm các nguồn điện năng lượng tái tạo , năng lượng sạch để thay thế dần các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Từ quy hoạch đó xây dựng kế hoạch và nguồn lực thực hiện; xác định các dự án đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo EVN chú trọng đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án đầu tư trọng điểm để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho các năm tới; vận hành an toàn các công trình thủy điện, tiết kiệm tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường. Công khai và minh bạch chi phí giá thành điện. Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Công Thương sớm đàm phán việc mua điện của các nước láng giềng...

Công nhân điện lực kiểm tra, vận hành trạm biến áp 110kV nối cấp 220kV Quốc Oai. Ảnh: Hoa Việt Cường/TTXVN

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách ngân sách năm 2018, trên cơ sở tính toán cung cầu điện năm 2018, Tập đoàn nhận định hệ thống điện đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nếu như không xuất hiện các tình huống bất thường. Hệ thống truyền tải Bắc - Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện cho miền Nam.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc  Võ Quang Lâm, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2018 của Tập đoàn như: Việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư, khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện ngoài EVN. Vấn đề đảm bảo các nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện khó khăn hơn, gia tăng tỷ trọng nguồn than nhập khẩu, nguồn khí trong nước suy giảm. Việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn...

Vì vậy, năm 2018, EVN đặt mục tiêu sản xuất và mua 210,49 tỷ kWh, tăng 9,% so với năm 2017. Sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn là 7,2%, giảm 0,27%. Chỉ số tiếp cận điện năng phấn đấu xếp hạng ít nhất từ 60/190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới.

Đặc biệt, năm 2018, Tập đoàn chọn chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” để đáp ứng sự phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lộ trình tái cơ cấu Tập đoàn và đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 18-NQ/TW của BCH Trung ương đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ tiên tiến và quản trị hiện đại nhằm xây dựng Tập đoàn trở thành một trong các Tập đoàn Điện lực hàng đầu ASEAN. Do vậy, Tập đoàn cũng đặt mục tiêu năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng từ 8-10% so với năm 2017.

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Võ Quang Lâm, Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị phát điện nâng cao độ tin cậy, khả năng phát điện, nhất là các nhà máy nhiệt điện tại các Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải; Chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu cho sản xuất điện và cơ số dự phòng. Các công ty thủy điện làm việc với các địa phương để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; Vận hành đúng qui trình hồ chứa; Phối hợp tốt với các địa phương để điều tiết nước, xả lũ đúng quy định.

Đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, vận hành an toàn, tin cậy hệ thống truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc - Nam; Chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng, sẵn sàng khắc phục nhanh sự cố; Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm tổn thất điện năng hiệu quả.

Riêng Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia có trách nhiệm theo dõi cập nhật các yếu tố về sản xuất điện và nhu cầu phụ tải, điều hành thị trường điện đúng quy định; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để có các phương án vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy nhất là hệ thống điện miền Nam. Đổng thời điều hành tối ưu các nhà máy thủy điện, tận dụng tài nguyên nước, đáp ứng các yêu cầu cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp...

EVN tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng, thực hiện “01 cửa liên thông” giữa đơn vị Điện lực và các cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm và kỹ năng giao tiếp, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ CBNV tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng và tại các đơn vị cung cấp dịch vụ 

Đáng chú ý, năm nay, EVN sẽ kiểm tra chặt chẽ thực hiện các quy định về giá điện, không để xảy ra thất thoát doanh thu do mất cắp điện, áp sai giá điện cho các đối tượng và mục đích sử dụng điện. Đồng thời định kỳ và đột xuất kiểm tra, thanh tra về công tác bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không để xảy ra sự cố, khiếu kiện liên quan đến vấn đề môi trường; EVN cũng chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ quản lý kỹ thuật - vận hành, công nhân lành nghề. Tổ chức sát hạch, đánh giá định kỳ để đảm bảo đủ năng lực thực hiện công việc theo quy trình, quy phạm.

Mặc dù vậy, Tập đoàn cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Chủ đầu tư các các dự án nguồn điện ngoài EVN đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện theo Qui hoạch điện VII điều chỉnh. Đặc biệt đảm bảo vận hành ổn định đáp ứng yêu cầu theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2018 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4830/QĐ-BCT ngày 27/12/2017. Đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam đảm bảo duy trì sản lượng khí Nam Côn Sơn, khí PM3 ở mức cao để cung cấp khí cho phát điện. Trong trường hợp thiếu khí, ưu tiên sử dụng khí cho phát điện.


Mai Phương (TTXVN)
EVN đã bán điện trực tiếp cho 25,6 triệu khách hàng
EVN đã bán điện trực tiếp cho 25,6 triệu khách hàng

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức vào sáng 4/1 ở Hà Nội, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, đến cuối năm 2017, EVN đã bán điện trực tiếp cho 25,6 triệu khách hàng, tăng 0,8 triệu khách hàng so với năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN