Riêng trong tháng Tri ân Khách hàng 12/2017, các đơn vị thuộc EVN sửa chữa và lắp đặt điện miễn phí cho hơn 16.000 hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách trên toàn quốc, hơn 300 tuyến đường tại các thôn, xóm trên toàn quốc được thắp sáng từ nguồn kinh phí đóng góp của cán bộ công nhân viên EVN...
Theo ông Võ Quang Lâm, thực hiện kế hoạch năm 2017, Tập đoàn và các đơn vị đã gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: Thiên tai, biến động bất thường của thời tiết ảnh hưởng đến cung ứng điện và gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện trên 600 tỷ đồng. Một số chi phí đầu vào tăng, như: tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng và từ tháng 3/2017 giá than tiếp tục tăng. Việc cân đối cung cầu khu vực phía Nam tiếp tục thiếu hụt. Hệ thống điện 500 kV Bắc - Nam phải truyền tải cao. Thu xếp vốn đầu tư các dự án điện tiếp tục gặp khó khăn...
Trong điều kiện như vậy, năm qua, Tập đoàn đã đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của nhân dân và các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, đặc biệt đã cấp điện an toàn ổn định cho Hội nghị cấp cao APEC 2017 với lượng điện sản xuất và mua ước đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6% so với năm 2016. Điện thương phẩm ước đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016.
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) vừa khánh thành và gắn biển công trình Trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
Hoạt động điều hành hệ thống điện, thị trường điện bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nguồn phát điện trong hệ thống, khai thác hiệu quả nước để phát điện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước vùng hạ du; trong đó, đã cấp 4,7 tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2016-2017 cho Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ. Trong các đợt mưa, lũ đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, vận hành tuyệt đối an toàn công trình, thực hiện điều tiết các hồ thủy điện để cắt, giảm lũ hiệu quả để bảo vệ hạ du.
Đặc biệt, 100% các dịch vụ về điện của Tập đoàn có thể thực hiện trực tuyến vào cuối năm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng. Theo Tổ chức Doing Business, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam có bước đột phá, tăng 32 bậc so với năm 2016 và đứng thứ 64/190 quốc gia/nền kinh tế.
Với kết quả đánh giá này, chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam đã đạt và vượt so với yêu cầu về thứ hạng 70 tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Độ tin cậy cung cấp điện trong năm 2017 của EVN cũng tăng đáng kể so với năm 2016; trong đó tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân (chỉ số SAIDI) là 1.077 phút, giảm 35,0% so với năm 2016. Riêng Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh là đơn vị thực hiện tốt nhất với chỉ số SAIDI là 235 phút, giảm 54% so với năm 2016. Tổn thất điện năng toàn Tập đoàn đạt chỉ tiêu phấn đấu là 7,47%, giảm 0,13% so với kế hoạch đầu năm. Năng suất lao động toàn Tập đoàn đạt 1,92 triệu kWh/người, tăng 9,0% so với năm 2016.
Hoạt động thuê tư vấn độc lập đánh giá độ hài lòng của khách hàng tiếp tục được duy trì, điểm đánh giá năm sau đều tăng so năm trước, trong đó: Mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện đạt 7,97 điểm, tăng 0,28 điểm so với năm 2016. Mức độ hài lòng của khách hàng đối với các trung tâm chăm sóc khách hàng đạt 8,11 điểm.
Nhờ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động đã giúp EVN và các đơn vị giảm chi phí sản xuất kinh doanh được 1.255 tỷ đồng, tương đương 7,5% chi phí định mức. Đáng chú ý, nhờ vận hành tối ưu hệ thống điện; trong đó tăng sản lượng huy động thủy điện 20,7 tỷ kWh và giảm huy động các nguồn nhiệt điện dầu 2 tỷ kWh so với kế hoạch đã góp phần quan trọng để giảm giá thành điện và chi phí mua điện của EVN.