Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Cơ chế một cửa quốc gia xử lý 180.079 hồ sơ Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan - Cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo 1899, trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có thêm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số cơ quan lên 11 bộ, ngành; bổ sung thêm 3 thủ tục hành chính, nâng tổng số lên 39 thủ tục.
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đang triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không, Đề án quản lý giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Cơ chế một cửa quốc gia (thực hiện tại Hải Phòng và Hà Nội trong năm 2017, sau đó sẽ mở rộng ra các địa bàn có cảng biển và cảng hàng không lớn).
Đến hết tháng 6/2017, Cơ chế một cửa quốc gia đã xử lý 180.079 hồ sơ (tăng 107% so với 6 tháng đầu năm 2016) của 12.3 doanh nghiệp (tăng 70% so với cùng kỳ năm trước). Các Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia với số lượng hồ sơ và thủ tục lớn. Bộ Quốc phòng cũng đã xử lý hồ sơ trong lĩnh vực hàng hải tại một số cảng biển quốc tế lớn, dự kiến sẽ mở rộng đủ 9 cảng biển trong năm 2017 và mở rộng hết trong năm 2018.
Việt Nam đã sẵn sàng kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một của ASEAN có hiệu lực. Hiện tại đã có 9 nước thành viên ASEAN (trừ Philippines ) phê duyệt Nghị định thư. Đang tiếp tục đàm phán mở rộng trao đổi thêm tờ khai hải quan và các chứng từ về kiểm dịch đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong ASEAN.
Các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung văn bản về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Văn bản kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, chậm sửa đổi Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, công tác phối hợp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giữa các bộ chưa tốt. Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng Nghị định số 58/2017/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017), Bộ Tài chính đã nhiều lần đóng góp ý kiến đối với nội dung dự thảo để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các quy định chuyên ngành cũng như phù hợp yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhưng không nhận được thông tin tiếp thu đầy đủ từ Bộ Giao thông vận tải. Việc này tác động lớn đến các doanh nghiệp và cơ quan đang thực hiện thủ tục điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia tại 9 cảng biển quốc tế.
Tiến độ triển khai sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất chậm. Hiện còn tồn đến 63 văn bản vẫn đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và chưa hoàn thành theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và các Nghị quyết 19/NQ - CP năm 2015,2016, 2017 của Chính phủ. Văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra, còn có sự chồng chéo trong quản lý/kiểm tra chuyên ngành.
Việc kiểm tra chuyên ngành thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro; chưa áp dụng việc công nhận kết quả kiểm tra. Một số doanh nghiệp xuất khẩu chưa xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực hiện các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chưa nắm vững các quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, khi thực hiện còn lúng túng, khó khăn.
Thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng một số bộ chưa tích cực trong thực hiện cải cách thủ tục, nhất là thủ tục kiểm tra hải quan chuyên ngành, văn bản quy phạm pháp luật nhiều nhưng chưa đủ. Theo Phó Thủ tướng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm từ 30- 35% tổng số thủ tục hải quan nhưng tỷ lệ phát hiện sai sót rất thấp, chỉ chiếm 0,04%, trong khi Ngân hàng Thế giới khuyến cáo tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành chỉ nên chiếm 15% và kiểm tra trên cơ sở đánh giá rủi ro.
“Có trường hợp một mặt hàng 3 tầng quản lý, 3 vòng kim cô: giấy phép nhập khẩu tự động, kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy. Lại có trường hợp một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ. Một bộ nhưng anh đẻ ra rất nhiều thứ”, Phó Thủ tướng nói; đồng thời dẫn chứng như thịt và các sản phẩm từ thịt phải qua 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành: kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của cùng một bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có trường hợp một số mặt hàng nhập khẩu chịu cùng một hình thức quản lý kiểm tra của hai bộ quản lý chuyên ngành. Có danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra.
Đưa ra thông tin 50% trong tổng số các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của 9 bộ không ban hành kèm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, Phó Thủ tướng nêu rõ “có nghĩa người trực tiếp kiểm tra muốn kiểm tra gì, hành gì cũng được. Cho nên việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với cùng một mặt hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp, gánh nặng về chi phí và thủ tục hành chính, giảm năng lực cạnh tranh, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp mà không áp dụng chế độ quản lý rủi ro với hậu kiểm”.