Chia sẻ quyền khai thác dữ liệu thống kê
Báo cáo do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm trình bày cho thấy, 5 năm qua, Tổng cục Thống kê và thống kê bộ, ngành đã tích cực phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của ngành; chú trọng xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành làm cơ sở thu thập số liệu đáp ứng nhu cầu thông tin của Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo bộ, ngành.
Đến nay có 22 bộ, ngành đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, trong đó 15 bộ, ngành hoàn thành rà soát, hoàn thiện và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê để đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới được quy định trong Luật Thống kê 2015; có 21 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành, trong đó 11 bộ, ngành đã rà soát, cập nhật, ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015 và hệ thống chỉ tiêu thống kê mới của bộ, ngành.
Các bộ, ngành đã tổng hợp, công bố phần lớn chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công. Tính đến cuối năm 2015, trong số 206/350 chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công chủ trì thực hiện, các bộ, ngành đã thu thập, tổng hợp và công bố đầy đủ được 82 chỉ tiêu; 20 chỉ tiêu thu thập, tổng hợp toàn bộ nhưng mới công bố được một số phân tổ; 23 chỉ tiêu thu thập, tổng hợp toàn bộ nhưng chưa công bố; 51 chỉ tiêu thu thập, tổng hợp chưa đầy đủ và 30 chỉ tiêu chưa thu thập, tổng hợp.
Tại Hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác thống kê, đồng thời chỉ ra những bất cập trong công tác này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng cần có sự phối hợp thống nhất trong việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nông nghiệp với cơ quan thống kê. Hiện nay đang tồn tại nhận thức rằng số liệu của thống kê mới là con số pháp quy theo quy định của luật, còn số liệu của bộ, ngành không phải pháp quy, đây là điều không đúng, các số liệu này đều là pháp quy, do đó, số thống kê phải thống nhất để khỏi lủng củng, vấn đề này liên quan sự thống nhất về tiêu chí và phương pháp thống kê.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, phục vụ công tác điều hành theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác thống kê, bà mong muốn Tổng cục Thống kê trong điều tra các hộ gia đình có lồng ghép nội dung điều tra về tài sản lưu giữ trong dân như vàng, ngoại tệ vì Ngân hàng rất khó khăn trong công việc này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai kiến nghị báo cáo và công tác thống kê phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh, xây dựng kiến trúc cơ sở dữ liệu thống kê theo hướng tích hợp, đưa ra chuẩn dữ liệu kết nối và các báo cáo tự động cập nhật để tránh mất thời gian, chia sẻ quyền khai thác dữ liệu thống kê với các bộ, ngành.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đề cập tình trạng “chân ga, chân phanh” trong việc củng cố tổ chức thống kê, bởi “xin mãi mới được một biên chế”. Cứ 5 năm Ủy ban lại thực hiện một cuộc điều tra về vấn đề dân tộc, không thể dựa mãi vào số liệu của Tổng cục Thống kê, nhưng vấn đề đặt ra là không có bộ máy để thực hiện, cho nên “việc thống kê vẫn mang nghĩa định tính cả thôi”.
Quản lý điều hành mà không có thông tin là 'như người mù'
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thống kê là ngành, lĩnh vực có vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Ví “quản lý điều hành mà không có thông tin là như người mù”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong công tác quản lý, nếu không có thông tin thì không thể nào ra quyết định được; thông tin không đầy đủ, không chính xác ra quyết định sẽ không sát, thông tin sai, nhiễu loạn là giết chết các quyết định. Thông tin phải trung thực, sát thực với cuộc sống. Số liệu thống kê phải biết nói. Đằng sau con số, cần phân tích, đánh giá, dự báo cùng những kiến nghị, đề xuất của cơ quan thống kê, để gia tăng giá trị cho số liệu. Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm đến lĩnh vực thống kê. Chất lượng thống kê thời gian qua đã được nâng lên nhưng với đòi hỏi của cuộc sống cần phải nỗ lực hơn nữa.
Nhắc đến những vấn đề cần lưu ý, Phó Thủ tướng cho rằng tổng số chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công cho 21 bộ, ngành chủ trì thực hiện là 79 nhưng thực tế mới chỉ thu thập, phân tổ đầy đủ 34 chỉ tiêu, số chỉ tiêu thu thập, tổng hợp nhưng chưa đầy đủ là 29 và số chưa thu thập là 16; trong đó, nhiều bộ tồn đọng lớn như Bộ Tài nguyên và Môi trường 3/16 chỉ tiêu, Bộ Thông tin và Truyền thông 6 chỉ tiêu. Mới có 11/23 bộ, ngành ban hành báo cáo thống kê cấp bộ, ngành theo quy định của Luật Thống kê. Một số bộ chưa ban hành như Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo…
“Thực thi pháp luật như thế nào? Đó là chưa kể nhiều chỉ tiêu thống kê đưa ra mà các bộ, ngành vẫn thắc mắc và nhiều lần Chính phủ phải đứng ra phân xử và chỉ đạo lãnh đạo các bộ làm việc với Tổng cục Thống kê giải quyết các vấn đề về chỉ tiêu thống kê”, Phó Thủ tướng chỉ ra thực tế và đề nghị Hội nghị đánh giá sát đúng thực trạng.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định về tổ chức bộ máy cơ quan thống kê nhưng hiện còn 2 bộ không thành lập phòng thống kê theo quy định. “Thái độ đó là nghiêm túc hay không nghiêm túc?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra rằng nhiều bộ không quan tâm đến công tác thống kê. “Hôm nay phải có công văn hỏa tốc đi cho các bộ, các đồng chí cử lãnh đạo có trách nhiệm đến. Lãnh đạo bộ không quan tâm, gửi giấy mời đi nhưng không có hồi âm và không cử lãnh đạo đi dự”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Tổng cục Thống kê tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thống kê, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo lập đầy đủ cơ chế chính sách, môi trường pháp lý để hệ thống thống kê bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương hoạt động đồng bộ, thống nhất. Các bộ, ngành và địa phương tiến hành kiểm kê, đánh giá đầy đủ các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương, làm rõ thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với quy định của Luật Thống kê 2015. Thực hiện nghiêm túc Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia, Chương trình điều tra thống kê quốc gia, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; điều tra, thống kê GDP và chống thất thu thuế trong khu vực chưa được quan sát; thống kê theo bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp ở các địa phương (công bố hàng năm).
Các bộ, ngành tăng cường kết hợp chế độ báo cáo thống kê với điều tra thống kê và khai thác dữ liệu hành chính; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ có hệ thống từ Trung ương xuống tới các cơ sở ở địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của của bộ, ngành. Đa dạng hóa hình thức phổ biến thông tin thống kê. Chủ động nắm bắt nhu cầu thông tin và cung cấp, phổ biến kịp thời thông tin thống kê đến đông đảo người sử dụng.
Hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa bộ, ngành với Tổng cục Thống kê và giữa các bộ, ngành với nhau cần được đẩy mạnh hơn nữa. Cùng với đó, tăng cường phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong công tác thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích và phổ biến thông tin thống kê.