Quan hệ hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ trước những triển vọng mới

Mạng tin của Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 25/8 đã đăng bài viết khẳng định quan hệ nhiều mặt giữa Ấn Độ và Việt Nam đang được đẩy mạnh từng ngày và mở rộng thêm trên nhiều phương diện mới. Đây là một sự kết hợp hoàn hảo giữa chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ và “Hướng Tây” của Việt Nam khi hai nước nỗ lực thiết lập các mối quan hệ chiến lược, kinh tế và năng lượng chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Sự hội tụ những lợi ích liên kết này được phản ánh trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Ngoại trưởng Sushma Swaraj trong hai ngày 25-26/8. Đây là một trong những chuyến thăm của bà Swaraj tới các nước Đông Nam Á sau một loạt cuộc gặp cấp cao song phương và đa phương liên quan tới Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại Myanmar hồi đầu tháng này.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam là mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hầu như không có bất kỳ bất đồng hay mâu thuẫn nào. Mối quan hệ bắt nguồn từ thời nền văn minh Champa cổ xưa, khi người Ấn Độ từ bang Orissa tới Việt Nam và tìm thấy một nơi mến khách, có những đặc trưng văn hóa, phong tục, ngôn ngữ và tín ngưỡng hòa trộn. Được xây dựng trên những nền móng vững chắc do Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh tạo dựng, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj thăm chính thức Việt Nam, ngày 25/8. Ảnh: Nguyễn Khang–TTXVN


Thủ tướng Nerhu tới thăm Việt Nam năm 1954 để dự lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ; tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Ấn Độ năm 1958; Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad thăm Việt Nam năm 1959. Tinh thần đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân đã định hình quan hệ song phương trong những năm sau thời kỳ độc lập và hiện đã tạo thành mối quan hệ đối tác chiến lược đa lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng quốc gia, phát triển thương mại, đầu tư và tăng cường quốc phòng. Các chuyến thăm cấp cao đã trở nên thường xuyên, với hầu hết các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tới thăm Ấn Độ và các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ đã tới thăm Việt Nam trong những năm qua.

Về kinh tế, kim ngạch thương mại song phương ước tính sẽ đạt 8 tỷ USD trong năm nay và hai bên đang hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam là điểm thu hút nhiều công ty Ấn Độ, với dự án đầu tư trị giá khoảng 1 tỷ USD đã đi vào hoạt động. Đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có thăm dò dầu khí, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất đường, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin (IT) và chế biến nông sản.

Các công ty Việt Nam cũng đang tăng cường hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, với ba dự án đầu tư có tổng số vốn 23,6 triệu USD. Trong số các nhà đầu tư hàng đầu của Ấn Độ tại Việt Nam có công ty khai thác dầu mỏ ngoài khơi OVL, công ty thăm dò và sản xuất dầu khí Essar, công ty trách nhiệm hữu hạn Nagarjuna Ltd, tổ hợp các ngành công nghiệp KCP (KCP Industries Limited), công ty sản xuất cà phê Ngon (Ngon Coffee Manufacturing), công ty Venkateswara Hatcheries, Philips Carbon and McLeod Russell và CGL. Công ty đơn lẻ có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam là Tata Power, với dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú II tại tỉnh Sóc Trăng, trị giá 1,8 tỷ USD…

Trong bối cảnh có sự biến đổi liên tục trong khu vực, quan hệ chiến lược và quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam đòi hỏi có sức mạnh và tầm cỡ mới. Tán thành tự do hàng hải dựa trên luật pháp, Ấn Độ đã đề nghị tìm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Lập trường này đã được Ngoại trưởng Ấn Độ khẳng định tại hội nghị Ấn Độ-ASEAN và hội nghị ARF tại Myanmar.

Luôn coi trọng an ninh hàng hải, Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 100 triệu USD nhằm tăng cường hạ tầng quân sự và tính sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài. Hai bên đang tăng cường đối thoại chiến lược và các cuộc tập trận hải quân chung để mở rộng phạm vi hợp tác về an ninh hàng hải. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ coi mối quan hệ song phương ngày càng phát triển như một phần trong động lực lớn hơn là vì hòa bình và ổn định khu vực. Điều này thể hiện qua sự phối hợp chặt chẽ của hai nước trong nhiều diễn đàn khu vực, trong đó có ASEAN, EAS, Hợp tác khu vực sông Mê Công - sông Hằng (MGC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM).

Ấn Độ và Việt Nam còn phát triển quan hệ hợp tác mẽ trong lĩnh vực hạ tầng, IT, khoa học - công nghệ, giáo dục. Ấn Độ đã cấp khoảng 165 triệu USD tín dụng cho nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam. Với thế mạnh về các ngành công nghiệp tri thức, Ấn Độ đã đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thành lập các cơ quan xây dựng năng lực, trong đó có các Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin, trung tâm giảng dạy tiếng Anh và các viện phát triển doanh nghiệp.

Với sự trợ giúp của Ấn Độ, Việt Nam đã thành lập Viện nghiên cứu lúa gạo, tạo điều kiện đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ấn Độ đã cấp hàng trăm học bổng cho sinh viên Việt Nam theo chương trình Hợp tác kinh tế và công nghệ Ấn Độ (ITEC) hàng năm. Thời gian gần đây, IT đã nổi lên thành một điểm tựa quan trọng của quan hệ đối tác dựa trên tri thức giữa hai nước. Ấn Độ đã đồng ý thành lập phòng thí nghiệm liên quan đến công nghệ cao mang tên Lãnh tụ Indira Gandhi tại Hà Nội; thành lập trung tâm tiếng Anh Việt-Ấn và trung tâm đào tạo IT tại Học viện Quốc phòng Việt Nam. Những công ty IT hàng đầu của Ấn Độ, trong đó có NIIT, APTECH và Tata Infotech, đã mở hơn 80 trung tâm tại Việt Nam. Tháng 11/2013, Ấn Độ đã tặng Việt Nam một siêu máy tính.

Với đường bay trực tiếp Delhi/Ấn Độ - Thành phố Hồ Chí Minh/Việt Nam dự kiến khai trương vào tháng 11 tới, việc di chuyển giữa hai nước sẽ thuận tiện hơn, giao lưu nhân dân và du lịch qua đó cũng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Trong những ngày tới, quan hệ Ấn-Việt càng được tăng cường, mở ra những triển vọng và cơ hội mới cho một đối tác mạnh mẽ hơn.


Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)
Chính phủ mới của Ấn Độ coi trọng hợp tác với Việt Nam
Chính phủ mới của Ấn Độ coi trọng hợp tác với Việt Nam

Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN