Quản lý, kiểm soát chặt cửa khẩu phụ, lối mở biên giới

Phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, là một trong những giải pháp được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nêu ra tại Hội nghị trực tuyến quán triệt và tập huấn về công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới tổ chức ngày 3/6 tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, theo Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ngoài giải pháp nêu trên, Bộ đội Biên phòng tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Hiệp định về quản lý, biên giới cửa khẩu và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; từng bước chuẩn hóa hoạt động quản lý, kiểm soát tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới phù hợp với điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu đã ký kết và quy định pháp luật hiện hành, đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng.

Bộ đội Biên phòng cũng tăng cường cải cách thủ tục, hiện đại hóa trang bị kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, tạo thuận lợi cho các hoạt động lưu thông qua lại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như nhu cầu giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Trong công tác phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, sẽ tập trung đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới; tăng cường quan hệ hợp tác giữa cơ quan quản lý, bảo vệ biên giới, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới hai bên; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới...

Tại Hội nghị, thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay: Việt Nam có đường biên giới đất liền tiếp giáp 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia, với chiều dài hơn 5.000 km đi qua 25 tỉnh biên giới. Trên biên giới đất liền có 117 cửa khẩu, gồm 25 cửa khẩu quốc tế; 24 cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ cùng 88 lối mở biên giới.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng báo cáo công tác quản lý, kiểm soát biên giới giai đoạn 2015-2019. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hệ thống cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đáp ứng nhu cầu qua lại biên giới, thúc đẩy giao thương, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho một bộ phận người dân biên giới, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.

Thông qua hệ thống cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã chỉ đạo thực hiện chính sách thương mại biên giới, kịp thời ứng phó với chính sách biên mậu linh hoạt của nước đối diện, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản do Việt Nam sản xuất và kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa…Tuy nhiên, phần lớn các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chưa được hai bên mở chính thức nên chưa có cơ sở pháp lý song phương xác định về tên gọi, loại hình. Do vậy, đây là bất cập, khó khăn rất lớn trong công tác quản lý, kiểm soát tại những nơi này. Một số lối mở biên giới do các địa phương đơn phương mở mới nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, chưa có sự thỏa thuận thống nhất bằng văn bản của cấp tỉnh đối diện.

Số lượng cửa khẩu phụ, lối mở biên giới lớn, hoạt động xuất, nhập hàng hóa đa dạng, sôi động, dễ dẫn đến sơ hở, tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, phát sinh phức tạp về an ninh trật tự và ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại biên giới hai bên.

Cũng theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, từ năm 2015 đến nay, công tác quản lý, kiểm soát tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Điển hình là công tác tham mưu cho địa phương thực hiện trình tự thủ tục mở, nâng cấp, xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới hiệu quả chưa cao, hầu hết các lối mở biên giới chưa được quy hoạch, xây dựng cơ bản.

Nguyên nhân được xác định do đa số các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm trên địa bàn biên giới vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn gặp nhiều khó khăn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước đối với cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Chưa có quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trên từng tuyến biên giới, dẫn đến hoạt động mở, nâng cấp cửa khẩu chưa thống nhất, tổng thể, lâu dài, chủ yếu theo nhu cầu mang tính thời điểm của địa phương biên giới…

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Từ năm 2015 - 2019, qua kiểm tra, kiểm soát trên 64 triệu lượt người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, cơ quan chức năng đã phát hiện bắt giữ, xử lý tổng số 2.337 vụ với 2.321 đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật, tập trung các loại tội phạm về ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mua bán người và vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh...; tang vật tạm giữ, xử lý trị giá trên 29 tỷ đồng, góp phần giữ vững ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn, khu vực cửa khẩu.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Bộ Tư lệnh BĐBP tập huấn công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới
Bộ Tư lệnh BĐBP tập huấn công tác quản lý, kiểm soát cửa khẩu phụ, lối mở biên giới

Trong thời gian tới lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Hiệp định về quản lý, biên giới cửa khẩu và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Từng bước chuẩn hóa hoạt động quản lý, kiểm soát tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới phù hợp với điều ước quốc tế về biên giới, cửa khẩu đã ký kết và quy định pháp luật hiện hành, đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng (BĐBP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN