Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định sự cần thiết của luật này. Ông Vạn nêu thực tế, hiện nay có tình trạng kiến trúc bị can thiệp bởi đồng tiền và quyền lực. Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật – kỹ thuật, gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội cũng như tổ chức không gian sống của con người và xã hội. Do đó, cần phải quản lý nó.
“Kiến trúc tốt hay không là do kiến trúc sư, tức là con người quyết định. Chính vì thế phải có luật để điều tiết hành vi. Không phải ai cũng được hành nghề. Luật cần quy định rõ các điều kiện hành nghề kiến trúc”, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu ý kiến.
Khi thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự án luật chưa thể hiện nét riêng, mang tính bản sắc văn hóa dân tộc. Về vấn đề này, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn đề nghị không quy định bản sắc văn hóa dân tộc vào trong dự luật bởi bản sắc là một khái niệm trừu tượng, còn nhiều cách hiểu khác nhau.
“Luật chỉ nên khuyến khích làm sao để kiến trúc có bản sắc riêng, gần gũi với người dân, thích ứng với cuộc sống. Khi đó thì tác phẩm kiến trúc tự nó có giá trị. Kiến trúc mang bản sắc văn hóa Việt Nam là điều chúng ta hướng tới chứ rất khó để luật hóa”, ông Nguyễn Tấn Vạn nói.
Từ kinh nghiệm các nước, ông Nguyễn Tấn Vạn cho rằng hành nghề kiến trúc là công việc quan trọng, không thể ai muốn làm thì làm bởi những người thiếu năng lực, thiếu đạo đức sẽ cho ra đời những tác phẩm kém giá trị. Việt Nam nên học tập mô hình Hội đồng kiến trúc sư hành nghề của các nước.
Cũng giống như đoàn luật sư, tổ chức này được Nhà nước đồng ý thành lập, giúp công nhận các tài năng, cấp chứng chỉ hành nghề, đưa ra các nội dung đào tạo cho kiến trúc sư sát thực tế. Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động quản lý hành nghề đó.
“Hiện nhà nước quản lý hành nghề kiến trúc sư thông qua các quy định trong Nghị định. Tuy nhiên quy định chưa cụ thể, chưa phù hợp với đặc điểm hành nghề kiến trúc tại Việt Nam. Cả nước có hơn 21.000 doanh nghiệp hành nghề kiến trúc và các công việc tương tự, tuy nhiên quản lý không hiệu quả. Có những người giỏi thì không phát hiện được để khuyến khích và đào tạo”, ông Nguyễn Tấn Vạn cho hay.
Theo chuyên gia này, Luật Kiến trúc phải đáp ứng được đòi hỏi của thực tế đời sống. Hoạt động kiến trúc sư không thể dễ dàng như hiện nay. Có thể có một số kiến trúc sư không thích bị quản lý bởi Hội đồng kiến trúc sư hành nghề vì bị mất tự do nhưng đó là yêu cầu cần thiết để đưa hoạt động hành nghề kiến trúc vào khuôn khổ.
Liên quan đến tình trạng kiến trúc “nhức mắt” tại nhiều đô thị hiện nay, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn cho rằng: Kiến trúc sư có quyền sáng tác nhưng Nhà nước có quyền quyết định chỗ đó, khu vực đó được xây dựng như thế nào, kiến trúc ra sao. Có khu vực không được làm nhà cao tầng, không được làm nhà kính. Hội đồng kiến trúc sư sẽ tư vấn giúp Nhà nước trong lĩnh vực kiến trúc để có quyết định chính xác.
“Công trình kiến trúc phải gắn với lịch sử, văn hóa. Chẳng hạn khu vực Bờ Hồ Hà Nội, có những công trình chiều cao thì được nhưng cảm xúc, tỷ lệ kiến trúc lại không phù hợp thì cũng không được duyệt”, ông Nguyễn Tấn Vạn cho hay.
Trước đó, thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) băn khoăn về những quy định trong quản lý nhà nước về kiến trúc vốn là những yếu kém, nguyên nhân của những bất cập trong thời gian qua, nhưng luật lại tập trung chủ yếu vào vấn đề mô hình hoạt động.
Đại biểu đặt vấn đề: Vậy nếu chính quyền địa phương có công trình xây dựng mà kiến trúc không đúng luật thì cơ quan nào sẽ xử lý? Hiện nay cả nước có hàng chục nghìn công trình văn hóa có kiến trúc hơn 500 năm nhưng khi bảo tồn có tuân thủ những kiến trúc xưa hay không? Đại biểu đề nghị cần có quy định để quản lý, từ đô thị cho đến nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn, dự luật này phải làm sao không chồng chéo với Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng. Dự luật phải vừa bảo vệ được di sản kiến trúc, kể cả nhân tạo và tự nhiên, đồng thời phát huy được quyền tự do sáng tạo về mặt kiến trúc.
Còn đại biểu Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TP Hồ Chí Minh đánh giá, dự luật không thể hiện được nét riêng, mang tính bản sắc, hồn đô thị của Việt Nam. Theo đại biểu, kiến trúc của Việt Nam vẫn dựa vào những công trình kiến trúc phương Tây thể hiện rõ nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do giá trị văn hóa của Việt Nam không được lồng trong ý tưởng kiến trúc, quy hoạch, phát triển đô thị.
Dự kiến trong phiên thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - cơ quan soạn thảo luật, sẽ giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.