Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn các vấn đề này.
Trước đó, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những bất cập trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng.
Nêu ý kiến về tình hình thị trường chứng khoán, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) nhìn nhận, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp giúp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán cũng như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các hành vi thao túng, trục lợi thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu đã được cơ quan hữu quan phát hiện, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán cá biệt có những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi thao túng, che giấu thông tin, trục lợi, gây bất ổn thị trường. Điều này khiến nhà đầu tư thiệt hại và gây ảnh hưởng an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, các bộ, ngành cần rà soát các quy định pháp luật về chứng khoán và việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định liên quan. Các bộ, ngành có giải pháp phát triển cân đối, lành mạnh hóa thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán để vừa tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán vừa giúp các doanh nghiệp huy động vốn thực hiện những dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp...
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) cho biết, ngay sau khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện rủi ro, cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời phát đi những cảnh báo tới nhà đầu tư. Qua những vụ việc như Tân Hoàng Minh cho thấy, cơ chế chính sách của nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế.
Cụ thể, điều kiện phát hành còn lỏng lẻo; tiêu chí đánh giá xếp hạng doanh nghiệp phát hành và sự kiểm tra, giám sát quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan chưa quyết liệt; nhiều cá nhân đầu tư chưa trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, bền vững, đại biểu kiến nghị Chính phủ rà soát các cơ chế chính sách, tổ chức sơ kết, tổng kết để sớm sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ tiếp tục siết chặt các quy định quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng hạn để được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, bắt buộc phải có đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Cùng đó, có quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và giám sát hoạt động của các tổ chức này.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành đầu tư, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước tình trạng xuất hiện những sai phạm, rủi ro tiềm ẩn và thông tin không chính xác trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, gây áp lực tiêu cực cho dòng chảy vốn đầu tư xã hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, những vi phạm đó chỉ là cá biệt, riêng lẻ. Việc xử lý nghiêm minh là hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành ổn định thị trường.
Vì vậy, theo đại biểu cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, để tăng tính thanh khoản, quay vòng vốn và chia sẻ hạn chế rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung phải có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp.
Liên quan đến việc kéo dài Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023.
Theo các đại biểu, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; giảm thiểu những xung đột, tranh chấp do dừng các cơ chế đang áp dụng; tránh ảnh hưởng lớn, không thuận lợi đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu. Để việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi giữa các cơ quan, khắc phục hạn chế việc triển khai Nghị quyết thời gian qua.
"Quốc hội sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu bởi những kết quả Nghị quyết mang lại đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu", đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị.
Dự kiến, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các nội dung nêu trên.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường.
Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới; các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn về quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thống đốc cũng trả lời việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại. Đồng thời, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô…
Tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn về tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Cùng đó là giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp…
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời chất vấn các vấn đề về tiến độ, chất lượng và việc phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT…