Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID -19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân...
Một số mục tiêu cụ thể của nghị quyết là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP..
Nghị quyết cũng đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, như tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; dẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số…
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên tinh thần phấn đấu quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, Chiến lược vaccine toàn diện đang được triển khai, Chính phủ đang xây dựng Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế trên cơ sở cân đối các nguồn lực...
Các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý cho thấy, tại các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, nghị quyết đã có sự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực thế như nội dung: tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, “nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên”; quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh “theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo”; phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng “vào cuối năm 2021, đầu năm 2022”.
Về một số ý kiến đề nghị có nghị quyết riêng của Quốc hội quy định các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tổng hợp ý kiến và Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất.