Đây là khẳng định của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tại Lễ ra quân điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, do UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức tại xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang ngày 1/10.
Mục đích của cuộc điều tra thu thập thông tin nhằm cung cấp toàn diện thông tin về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; y tế, vệ sinh môi trường nông thôn; cán bộ đảng viên; di cư tự do; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) để hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê, phản ánh thực trạng của 53 DTTS phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc; điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi.
Đối tượng điều tra lần này gồm: Nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ dân cư người DTTS tính đến thời điểm điều tra; các trường hợp chết của các thành viên trong hộ dân tộc thiểu số; điều kiện kinh tế - xã hội và nhà ở của hộ dân tộc thiểu số; tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, II và III (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017) và các xã, phường, thị trấn không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Phạm vi điều tra được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 3 địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như: thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương), tại 440 huyện và tại 5.464 xã.
Phát biểu tại Lễ ra quân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt cuộc điều tra. Đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê, các cơ quan ban ngành và chính quyền các cấp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt các phương án điều tra.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn các hộ đồng bào DTTS phối hợp chặt chẽ cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin góp phần và sự thành công của cuộc điều tra.
Video các điều tra viên thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội hộ gia đình ông Hà Phúc Trịnh, vợ là Bàn Thị Nguyệt, dân tộc Dao tại thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa.
Lễ ra quân điều tra 53 DTTS được tiến hành đồng loạt trên cả nước vào sáng 1/10/2019, dự kiến có khoảng 15.000 điều tra viên tiến hành điều tra hộ, tương đương 15.000 địa bàn điều tra. So với cuộc điều tra lần đầu (năm 2015), cuộc điều tra lần này, các điều tra viên được hỗ trợ thu thập thông tin trên các phương tiện thông minh, giúp cho việc cập nhật, tổng hợp kết quả điều tra thuận lợi hơn.
Cuộc điều tra năm nay có 98 chỉ tiêu được thu thập, chia thành 10 nhóm nội dung. Tổng cục Thống kê đã biên soạn sổ tay hướng dẫn điều tra, xây dựng đĩa MP3 hỏi - đáp về cuộc điều tra bằng 6 thứ tiếng (Việt, Nùng, Mông, Ê Đê, Khmer, Chăm) để tuyên truyền trên đài truyền thanh xã và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đối với các địa phương vùng DTTS và miền núi sẽ sử dụng tài liệu tuyên truyền bằng các thứ tiếng DTTS khác phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn.
Sau lễ ra quân, các điều tra viên đã xuống thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) tìm hiểu thực tế, điều tra tại hộ gia đình ông Hà Phúc Trịnh dân tộc Dao và hộ bà Nông Thị Vỵ, dân tộc Tày.
Thời gian thu thập thông tin điều tra DTTS tại các địa bàn bắt đầu từ hôm nay và kết thúc vào 31/10/2019.