Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao Chứng nhận nhãn hiệu "Sen Tháp Mười".
|
Để quảng bá giá trị của những sản phẩm chế biến từ sen, nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu Sen Tháp Mười trên thị trường trong và ngoài nước, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười đã ký cấp phép sử dụng nhãn hiệu Sen Tháp Mười cho Công ty Cổ phần Đầu tư - Thương mại và Du lịch Đồng Tháp Mười. Đây cũng là hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp về sen, tạo dựng hình ảnh địa phương nhằm thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp.
Ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch giữ ổn định 300 ha trồng sen và trong thời gian tới sẽ mở rộng quy hoạch vùng trồng sen vì đây là mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa.
Hiện nay, sen Tháp Mười được chế biến sấy khô, làm tim sen, bán sen tươi, sữa sen, làm rượu sen mang nhãn hiệu Hồng Sen Tửu… Theo kế hoạch phát triển sản phẩm từ sen, huyện Đồng Tháp sẽ sản xuất nhiều sản phẩm có gắn hình ảnh hoa sen như: áo dài sen, đồ trang trí sen... Ẩm thực liên quan đến sen cũng sẽ được chú trọng để tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn như món cơm gói lá sen, cá lóc nướng cuốn lá sen non...
Trong lễ công bố, còn diễn ra tọa đàm với chủ đề “Câu chuyện về Sen Tháp Mười”, triển lãm ảnh Sen và du lịch về Đồng Tháp, các gian hàng bán các sản phẩm sản xuất, chế biến từ sen và hoạt động xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Sen Tháp Mười.
Huyện Tháp Mười là một trong những huyện trồng sen nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp với khoảng hơn 300 ha. Bình quân mỗi ha trồng sen trong 1 năm sản xuất 2 vụ, cho lãi hơn 100 triệu đồng.