Ông Hàng Văn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết: Những năm trước đây, dứa Tắc Cậu thường bị bệnh héo đầu lá, giá bấp bênh, nông dân không có lãi cao. Một số hộ nông dân không trồng nữa mà chuyển sang trồng các loại cây khác.
Tuy vậy, đến nay, diện tích dứa vẫn còn khoảng 1.300 ha ở các xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú và Minh Hòa. Loại dứa này thơm, ngon, có đặc trưng riêng là nước ít hơn nên người tiêu dùng ưa thích. Hội Nông dân huyện đã đăng ký nhãn hiệu cho thương hiệu tập thể dứa Tắc Cậu và được công nhận từ năm 2010.
Qua đó, tổ chức cho nông dân sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, tổ hợp tác ngành nghề. Những người tham gia vào tổ hợp tác sẽ thực hiện theo quy chế để giữ vững được chất lượng cây dứa; tổ chức quảng bá thương hiệu.
Theo ông Huỳnh Lũy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An, huyện Châu Thành, từ khi cây dứa Tắc Cậu được công nhận là nhãn hiệu tập thể, địa phương đã hình thành tổ hợp tác trồng dứa, chi hội ngành nghề để giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng cây dứa tăng lên. Mỗi ha dứa giúp người dân thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng trong vụ chính và 50 triệu đồng trong vụ nghịch.
Ông Lý Hưng Thủy, ngụ ấp An Bình, xã Bình An, người đã gắn bó cả đời người với cây dứa Tắc Cậu chia sẻ: Vùng đất ở đây rất thích hợp cho cây dứa, độ mặn vừa phải, phèn không nhiều. Gia đình ông đã hơn 70 năm gắn bó với nghề trồng dứa.
Nhờ được công nhận là nhãn hiệu tập thể, dứa Tắc Cậu đã “vang” tiếng xa hơn, nhất là từ khi cầu Cái Bé – Cái Lớn được khánh thành từ năm 2014. Bà Huỳnh Thị Muỗi, nông dân ấp An Ninh, xã Bình An cho biết: Dứa thu hoạch xong đem ra khu vực cầu Cái Lớn - Cái Bé bán rất chạy và được giá. Từ lúc có cầu Cái Bé - Cái Lớn, dứa Tắc Cậu bán được giá hơn, tiêu thụ nhanh, giá bán đã tăng từ 12.000 - 15.000 đồng/trái.
Ngoài bán trái tươi, người dân còn đầu tư các cơ sở sấy khô, nước ép, bánh kẹo tiêu thụ trong thị trường nội địa và xuất khẩu dứa thái lát phơi khô, mứt dứa, bánh dứa.