Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV:

Sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi người tham gia

Chiều 22/10, Quốc hội tiếp tục nghe Báo cáo của Chính phủ về Công tác quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết /QH13.

Đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế

Trình bày Báo cáo tóm tắt công tác quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết /QH13, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số /2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành cơ bản đã ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế.

Tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số; trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 gần 40 nghìn tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế. Năm 2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện năng lực y tế cơ sở được nâng lên; phát huy vai trò quan trọng trong giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị, nhất là quản lý, chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm bệnh nặng, góp phần giảm tử vong. Bên cạnh đó, ngành Y tế thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin như hồ sơ sức khỏe cá nhân kết hợp với bệnh án điện tử; khám chữa bệnh từ xa… Bộ Y tế đã ban hành các quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc để nâng cao quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: Một số quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh còn chưa rõ ràng dẫn đến việc chưa thống nhất trong quá trình giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; vẫn còn chênh lệch chênh lệch về chất lượng giữa các tuyến, vùng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân; việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh định mức, giá dịch vụ y tế khó khăn, mất nhiều thời gian...

Về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tổng thu Quỹ bảo hiểm y tế hơn 110 nghìn tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế năm 2020 hơn 104 nghìn tỷ đồng. Tổng số thu Quỹ bảo hiểm y tế lớn hơn tổng số chi Quỹ bảo hiểm y tế hơn 5 nghìn tỷ đồng; dự kiến số dư Quỹ bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2020 khoảng 33 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế vẫn còn khó khăn, vướng mắc về công tác thu quỹ bảo hiểm y tế; giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; cân đối quỹ…

Theo đó, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế, thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nợ tiền đóng, chậm đóng, trốn đóng, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế để đảm bảo trong tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh nền; ban hành nghị quyết quy định việc đóng bảo hiểm y tế trong thời gian người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hoặc dừng hợp đồng lao động không hưởng lương do dịch bệnh.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết /QH13, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao: Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt vượt mức chỉ tiêu; y tế cơ sở từng bước được củng cố và mở rộng; tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh…

Chính phủ kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi Nghị quyết số để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; bố trí nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế cơ sở; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế nhằm mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, thực hiện đúng quy định về giám định, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm sử dụng quỹ bảo hiểm y tế có hiệu quả.

Tăng cường kiểm soát thu, chi bảo hiểm y tế

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực bảo hiểm y tế được ban hành cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, điều hành, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với Luật chưa được giải quyết dứt điểm; gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chưa được ban hành đầy đủ và cập nhật; hệ thống văn bản về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa chưa được hoàn thiện làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Về việc thực hiện Nghị quyết /2013/QH13, sau 8 năm thực hiện, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu; 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết . Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.

Một số ý kiến cho rằng, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao tập trung chủ yếu ở nhóm được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc nhóm được quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo kinh phí mua thẻ. Trong khi đó, do tác động của dịch COVID-19, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại một số địa phương bị ảnh hưởng; một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể dẫn đến xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế...

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Tình trạng quá tải vẫn xảy ra ở một số bệnh viện tuyến trên do một bộ phận người dân chưa tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở; công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng sai sót chuyên môn, kỹ thuật trong khám chữa bệnh; áp lực về quá tải, tự chủ bệnh viện tác động đến việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ người bệnh; chất lượng khám chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến...

Về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, Ủy ban Xã hội cho rằng, cơ bản đã được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế và các quy định liên quan. Công tác kiểm soát thu, chi bảo hiểm y tế được tăng cường, Chính phủ tiếp tục áp dụng phương thức giao dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đến cơ sở khám chữa bệnh để kiểm soát chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đã giải quyết được nhiều trường hợp treo quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, mức đóng bảo hiểm y tế của một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, mức quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng.

Hiện vẫn còn tình trạng ngân sách nhà nước chậm chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương; chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện bảo hiểm y tế. Một số cơ sở khám chữa bệnh do lo ngại việc không được thanh toán các chi phí vượt dự toán được giao nên có tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chỉ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cầm chừng, kê đơn để bệnh nhân mua thuốc ngoài bảo hiểm y tế, đặc biệt khi thực chi đã gần chạm hoặc vượt ngưỡng được giao.

Ủy ban Xã hội kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết kinh tế - xã hội để giao Chính phủ thực hiện việc đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng phù hợp với khả năng chi trả của người dân và ngân sách nhà nước; tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế, ưu tiên dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, ưu tiên ngân sách cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Sau khi nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Công tác Quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết /QH13, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung này.

Diệp Trương (TTXVN)
Khẩn trương chi hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Khẩn trương chi hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN