Phát biểu tại buổi chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích khẳng định, các trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du học đã góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài cho học sinh và người dân Hải Dương, đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập, đời sống kinh tế cho một bộ phận người dân.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với các trung tâm, doanh nghiệp này như: Một số trung tâm ngoại ngữ cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị giảng dạy lạc hậu; chất lượng đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy chưa được kiểm định thường xuyên; mức học phí còn cao so với một bộ phận người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn; việc thu hút các giáo viên nước ngoài có chất lượng, trình độ, chuyên môn cao đến giảng dạy ở các trung tâm còn khó khăn; công tác quản lý nhà nước đối với các trung tâm này còn chưa chặt chẽ...
Đối với công tác tư vấn du học, một số tổ chức, cá nhân đã có hoạt động khi chưa được cấp phép như quảng cáo, tuyển sinh, cung cấp thông tin không chính xác. Cùng với đó, dịch vụ hỗ trợ ban đầu cho các du học sinh chưa đầy đủ; một số đơn vị du học thực hiện đào tạo ngoại ngữ cho xuất khẩu lao động trái phép; chất lượng tư vấn du học chưa cao; một số đơn vị chưa thực hiện ký hợp đồng với du học sinh hoặc cha mẹ, người giám hộ hợp pháp theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyên trong đó quy định rõ trách nhiệm và cam kết của mỗi bên…
Bên cạnh đó, công tác quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: Nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục định hướng còn chưa cao dẫn đến số lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài còn nhiều, nhất là ở thị trường Hàn Quốc. Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động xuất khẩu lao động còn chưa chặt chẽ…
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các Trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du học và xuất khẩu lao động, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân dưới nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử...
Các sở, ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn để các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngoại ngữ, tư vấn du học và xuất khẩu lao động hiểu biết rõ về các quy định của pháp luật; xử lý nghiêm đối với các trung tâm, doanh nghiệp vi phạm. UBND tỉnh cũng cần xây dựng quy chế chung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền các địa phương.
Tại buổi chất vấn, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng giải trình, trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương.
Theo báo cáo của HĐND tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện có trên 70 trung tâm ngoại ngữ hoạt động, trong đó có 67 trung tâm được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép, 12 trung tâm đăng ký có giáo viên người nước ngoài với 49 giáo viên người nước ngoài được cấp giấy phép lao động.
Đối với các đơn vị tư vấn du học, Hải Dương hiện có 66 tổ chức được cấp phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, chủ yếu tập trung ở thành phố Hải Dương. Trong hai năm 2017-2018, các đơn vị đã tư vấn và đưa 925 lượt người đi học tập ở các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Hà Lan, Canada...
Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Hải Dương hiện có 14 cơ sở hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động gồm 7 công ty, 2 chi nhánh, 3 văn phòng và 2 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép. Hàng năm có từ 30 đến 86 doanh nghiệp về tỉnh Hải Dương tuyển chọn lao động đưa đi nước ngoài làm việc, trong đó có từ 14 đến 18 doanh nghiệp thực hiện thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương. Từ năm 2017 đến nay, địa phương đã đưa trên 12.600 lao động đi làm việc theo hợp đồng sang các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc)...
Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt 6 trung tâm, 4 giáo viên người nước ngoài hoạt động trái mục đích nhập cảnh, 2 người nước ngoài tạm trú quá thời hạn cho phép với tổng số tiền xử phạt là trên 80 triệu đồng.
Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện 2 cơ sở không có giấy phép hoạt động đưa người đi xuất khẩu lao động, 9 cơ sở không thông báo hoạt động khi đặt trụ sở trên địa bàn tỉnh, 3 cơ sở không thông báo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Năm 2018, Công an tỉnh đã khởi tố 3 đối tượng thuộc đường dây môi giới đưa người đi xuất khẩu lao động (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quang Vinh có địa chỉ ở 93, Hoàng Lộc, thành phố Hải Dương với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của trên 30 người đi xuất khẩu lao động với số tiền hơn 20 tỷ đồng).
Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Việc đào tạo ngoại ngữ, tư vấn du học và xuất khẩu lao động đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Ông Lương Văn Cầu yêu cầu các sở, ngành chức năng sau khi cấp phép cho các trung tâm, doanh nghiệp phải thông tin đến cho chính quyền các địa phương để tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước. Các đoàn kiểm tra liên ngành khi tiến hành thanh, kiểm tra cũng cần phối hợp với chính quyền địa phương nơi các trung tâm, doanh nghiệp đặt trụ sở.