100% kết luận thanh tra được công bố công khai Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho biết, trong năm 2016 và Quý I năm 2017, Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai 36 đoàn thanh tra; các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành triển khai 9 đoàn thanh tra. Việc thực hiện công khai Kết luận thanh tra tại Bộ Y tế được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. 100% Kết luận thanh tra được tổ chức công bố công khai và gửi cho đối tượng thanh tra để thực hiện.
Tất cả Kết luận thanh tra được đưa lên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc trang điện tử của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, do đó người dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông dễ dàng tiếp cận. 100% kết luận thanh tra của Bộ Y tế được giám sát, xử lý sau thanh tra.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Theo ông Đặng Văn Chính, với những đối tượng thanh tra ở xa, đi lại tốn kém, nội dung thanh tra không phức tạp, các đoàn thanh tra chỉ gửi kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra tự công bố công khai với các thành phần liên quan và thực hiện kết luận thanh tra, đồng thời Thanh tra Bộ công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và đăng báo kết luận thanh tra.
Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính nhấn mạnh, trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13, Luật Tố cáo số 03/2011/QH13 và thực hiện công khai Kết luận thanh tra, kết luận giải quyết tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thanh tra y tế trong đó chú trọng nội dung về thực hiện công khai và giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra.
Tại buổi làm việc, Bộ Y tế kiến nghị xem lại quy định công khai kết luận thanh tra bằng hình thức phải công bố tại cuộc họp với các thành phần bao gồm người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 39 Luật Thanh tra. Theo đó, chỉ cần gửi Kết luận cho đối tượng thanh tra tự công bố với các thành phần liên quan và niêm yết tại trụ sở của đối tượng thanh tra (tránh tốn kém kinh phí ăn ở, đi lại của đoàn thanh tra) đối với những trường hợp: các kết luận thanh tra chuyên ngành, nội dung kết luận thanh tra rõ ràng, không phức tạp; các Kết luận thanh tra với đối tượng thanh tra ở xa phải đi lại bằng máy bay, nội dung phức tạp nhưng đã được trao đổi dự thảo Kết luận thanh tra với đối tượng thanh tra trước khi ký ban hành Kết luận thanh tra.
Quan tâm đến cơ chế hậu kiểm, giám sát, xử lý sau thanh tra Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện tốt chức năng quản lý chuyên ngành, từng bước mang đến sự hài lòng của người dân; điều kiện, phương tiện chữa bệnh ngày càng được nâng lên. Các đại biểu cũng ghi nhận tinh thần nghiêm túc, xây dựng của Bộ trong việc triển khai các hoạt động thanh tra và công khai kết luận thanh tra. Các đại biểu nhấn mạnh, chỉ có công khai, minh bạch, đúng quy trình, tuân thủ quy định của pháp luật trong công khai kết luận thanh tra thì ý nghĩa của công tác thanh tra mới thực hiện đầy đủ, trọn vẹn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục quan tâm việc rèn luyện phong cách làm việc và thái độ của đội ngũ y, bác sỹ, đẩy mạnh giáo dục y đức trong bệnh viện với phương châm “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền”. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức khi thi hành công vụ; xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực gây phiền hà cho người bệnh.
Về hình thức công khai kết luận thanh tra, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ rõ, đây là một tiêu chí xem xét trong việc đánh giá sự hài lòng của người dân và bệnh nhân. Kết luận thanh tra được công khai minh bạch, rõ ràng sẽ tạo niềm tin trong nội bộ của ngành y tế và người dân đến khám và điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần quan tâm đến cơ chế hậu kiểm, giám sát, xử lý sau thanh tra, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong thanh tra chuyên ngành, chuyên đề có phạm vi rộng để tránh chồng chéo.
Đặc biệt, Bộ Y tế cần nâng cao năng lực hệ thống thanh tra, xây dựng hệ thống văn bản về quy trình thanh tra, tổ chức lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo trong ngành.