'Tăng giá xăng thời điểm này là thích hợp nhất'

Xung quanh việc giá xăng, dầu tăng, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương khẳng định: Việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng và sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng trong nước. Tuy nhiên, nếu không tăng giá xăng dầu trong nước sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới gia tăng và Nhà nước sẽ rất khó kiểm soát.

Theo ông Quyền, về nguyên tắc xăng dầu là đầu vào của tiêu dùng và sản xuất, nhóm này thuộc nhóm có quyền số 8,87% của CPI. Mặc dù không phải quá lớn nhưng cũng là mặt hàng thiết yếu nên việc tăng giá xăng lần này sẽ kéo theo chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng và một số mặt hàng khác có thể cũng sẽ tăng theo.

Giá xăng tăng thêm 1.430 đồng từ tối 28/3. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Mặc dù vậy, không phải vì thế mà không điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 mà Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã phải tính toán sẽ điều hành giá, thuế, phí thế nào để tác động đến thị trường cũng như CPI một cách thấp nhất. CPI 2 tháng đầu năm nay đều thấp, tháng 3 thì lại âm nên việc tăng giá xăng lần này sẽ khiến cho mức độ cộng hưởng không cao.

Nhiều thông tin cho rằng hiện doanh nghiệp đang lãi 1000 đồng/lít xăng, nếu tăng thêm 1.430 đồng thì doanh nghiệp sẽ lãi 2.430 đồng/lít xăng. Tuy nhiên, ngay từ cuối năm 2012, đầu năm 2013 giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng đã làm giá cơ sở tăng cao. Để giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước nhằm bình ổn giá cả thị trường, Nhà nước đã liên tục điều hành để giữ ổn định, không tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà sử dụng Quỹ Bình ổn giá (từ đầu năm 2013 đã có 04 lần điều chỉnh). Tuy nhiên, tại thời điểm này dù giá nhập khẩu có giảm so với tháng 2/2013 nhưng vẫn ở mức cao, trong khi đó quỹ bình ổn xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết.

Để giải quyết tình trạng đó, Liên bộ cho rằng cần thiết phải xem xét điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước, ngừng sử dụng Quỹ bình ổn giá khi nguồn lực Quỹ không còn để phản ánh đúng giá hàng hóa, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu đồng thời tạo điều kiện để khôi phục nguồn cho Quỹ bình ổn giá.

Cùng với đó, thời điểm trước và sau Tết CPI đang diễn biến phức tạp, nếu tăng giá xăng sẽ là thời điểm nhạy cảm, gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng cũng như rối loạn thị trường nên việc tăng giá vào thời điểm này là thích hợp nhất.

Ông Quyền khẳng định, nguyên tắc điều hành giá sẽ được thực hiện cơ chế giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước; đảm bảo để giá bán lẻ xăng dầu thể hiện đầy đủ giá trị theo nguyên tắc thị trường chấp nhận "có lên, có xuống" theo tín hiệu của thị trường thế giới; Nhà nước can thiệp vào giá thị trường chủ yếu bằng môi trường pháp lý, chỉ can thiệp trực tiếp bằng những biện pháp thích hợp và được công bố công khai khi giá tăng quá cao không hợp lý hoặc khi có những biến động bất thường.

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được quyền quy định giá bán xăng dầu trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp tính giá, cơ chế kiểm soát giá và các biện pháp bình ổn giá do Nhà nước qui định.

Mặt khác, Bộ sẽ lấy giá xăng dầu thế giới bình quân trong một thời gian nhất định, trước thời điểm xác định giá để tính giá bán lẻ trong nước; không làm triệt tiêu động lực của các doanh nghiệp trong thực tế lựa chọn được nơi bán hàng, thời điểm mua hàng, phương thức mua hàng với giá có lợi nhất để đạt hiệu quả trong kinh doanh.


Uyên Hương
Thiếu hụt quỹ bình ổn, giá xăng bất ngờ tăng cao
Thiếu hụt quỹ bình ổn, giá xăng bất ngờ tăng cao

Bộ Tài chính giải thích, giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; trong khi, quỹ bình ổn đã hết và giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá của các nước láng giềng từ 2.000 đồng đến trên 5.000 đồng/lít.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN