Tăng giải pháp chiến lược cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Ngày 10/12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Hậu Giang đã họp bàn về nhiều giải pháp mang tính toàn diện và chiến lược liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

Lạng Sơn tinh gọn bộ máy để phát triển

Chú thích ảnh
Đại biểu HĐND tỉnh Lạng Sơn biểu quyết thông qua các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Chiều 10/12, kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Lạng Sơn khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua 27 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, đầu tư công, cơ chế, chính sách của tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh đã phản ánh tới lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành của tỉnh nhiều vấn đề lớn phát sinh ở cơ sở như: Tình trạng gia tăng phương tiện ô tô, xe máy những năm gần đây trong khi hạ tầng bến bãi đỗ xe, vị trí được phép đỗ xe không đáp ứng yêu cầu dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ tại địa bàn thành phố Lạng Sơn; nguồn kinh phí dành cho hoạt động khoa học, công nghệ hạn chế và hiệu quả của các dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống chưa cao; việc khai thác khoáng sản trong vùng Công viên địa chất có thể ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn; hướng giải quyết đối với các hộ đang có nhà ở trên diện tích đất sản xuất.

Các đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm đến tình hình sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, chính sách đối với người lao động dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính...

Đại biểu Đinh Thị Anh Thư, Tổ đại biểu huyện Hữu Lũng phản ánh, thực tế hiện nay cho thấy, tỷ lệ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra. Đây là vấn đề lớn, không chỉ liên quan đến việc tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà còn liên quan đến chính sách về cán bộ. Do đó cần những giải pháp toàn diện, có tính chiến lược.

Giải đáp nội dung liên quan đến sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn Hoàng Thị Hiền cho biết, thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2007/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 về phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo kế hoạch, giai đoạn này toàn tỉnh sẽ sắp xếp 54 đơn vị và 17 tổ chức bên trong thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến tháng 11/2024, tỉnh đã giảm 24/54 đơn vị sự nghiệp công lập và 10/17 tổ chức bên trong thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị còn lại sẽ thực hiện sắp xếp trong năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, năm 2025 là năm tỉnh vừa "tăng tốc, bứt phá", vừa tập trung tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương.

Chủ động các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Chiều 10/12, HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bế mạc Kỳ họp thứ 23. Ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, Kỳ họp đã thông qua 28 nghị quyết liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng nhằm cụ thể nghị quyết và chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025. 

Để thực hiện tốt các nghị quyết đã được HĐND thông qua, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương cùng cả hệ thống chính trị tiếp tục chủ động, thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2026. Tỉnh chú trọng công tác khảo sát, đúc kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách trong đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm đảm bảo tính ổn định, có giá trị lâu dài, tránh tình trạng xây dựng chủ trương, chính sách qua loa, đại khái, thiếu chiều sâu dẫn đến nghị quyết triển khai áp dụng chưa lâu phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều lần. 

Tỉnh cũng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bám sát định hướng của Tỉnh ủy về tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động HĐND các cấp và Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HĐND các cấp tỉnh; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp; cải tiến phương thức tiếp xúc cử tri theo hướng tinh gọn, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả thực chất. UBND tỉnh, các ngành, các cấp khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết vừa thông qua đúng quy định pháp luật, giải quyết tốt các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Năm 2025, Hậu Giang đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,8%; GRDP bình quân đầu người đạt 106,44 triệu đồng, tương đương 4.174 USD, tăng 11,27% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 26.900 tỷ đồng, tăng 4,26% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8.300 tỷ đồng, tăng 10,37% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế 4.818 doanh nghiệp, tăng 1,01% so với cùng kỳ.

Vũ Văn Đạt - Duy Ba (TTXVN)
Khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy 'tinh, gọn, mạnh'
Khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy 'tinh, gọn, mạnh'

Kỳ họp cuối năm HĐND hai tỉnh Vĩnh Long, Yên Bái bế mạc ngày 10/12 với nhiều nghị quyết được thông qua. Tại các kỳ họp, đại biểu HĐND hai tỉnh đều quan tâm tới chủ trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN