Tạo điều kiện để Cần Thơ phát huy tiềm năng, thế mạnh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chiều 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội phát biểu trực tuyến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Các đại biểu thống nhất cao với chủ trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo điều kiện cho địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình.

Đánh giá đầy đủ tác động môi trường

Nhất trí với các nội dung trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước khi triển khai các dự án cụ thể, đặc biệt, cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường.

Theo đại biểu, đây là vấn đề mà Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu trong báo cáo ý kiến gửi tới cơ quan chủ trì thẩm tra. Trước kỳ họp này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã trao đổi, làm việc với một số chuyên gia, nhà khoa học của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá hiệu quả kinh tế để kết hợp sử dụng luồng hàng hải kênh Quan Chánh Bố và luồng hàng hải Định An - Sông Hậu một cách hiệu quả nhất, kết hợp các phương thức giao thông như đường bộ, đường thủy trong vận chuyển hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu phân tích, các tuyến luồng hàng hải khu vực Tây Nam Bộ có lượng bồi lắng bùn, cát trở lại nhanh do nhiều yếu tố tác động; sạt lở, bồi lắng đã cản trở sự phát triển giao thông thủy của khu vực, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy đã có nghiên cứu khoa học riêng lẻ về vấn đề này, nhưng vẫn còn thiếu công trình nghiên cứu khoa học tổng kết thực tiễn một cách tổng thể, toàn diện, khách quan về thủy văn, hải văn, bồi lắng trầm tích, nạo vét ở khu vực, chưa đo lường đầy đủ hiệu quả kinh tế - xã hội của các luồng hàng hải.

Về việc thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, cần bảo đảm sự phù hợp với các quy hoạch liên quan. Việc sớm triển khai dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải này theo chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn ra, vào các cảng của Cần Thơ sẽ thúc đẩy nhanh việc phát huy công suất các cảng theo quy hoạch đã phê duyệt (các cảng Cái Cui, Hoàng Diệu có công suất tiếp nhận tàu có trọng tải 20.000 tấn), góp phần bảo đảm chất lượng logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp định hướng phát triển.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị các bộ, địa phương cần nghiên cứu tổng thể, đánh giá hiệu quả đầu tư, kinh tế - xã hội, môi trường gắn với quy hoạch phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động nạo vét, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ nhằm xử lý kịp thời các tác động tiêu cực của dự án nạo vét đối với hoạt động hàng hải, cộng đồng dân cư và môi trường tự nhiên; quan tâm đánh giá tình hình xâm nhập mặn vùng cửa sông ven biển khi nạo vét luồng hàng hải Định An - Sông Hậu; rà soát, tham vấn, cân nhắc kỹ lưỡng về độ sâu nạo vét, khu vực nạo vét, khu vực cần thiết phải kè bảo vệ bờ, xác định chuẩn tắc luồng cần nạo vét… để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát.

Việc thực hiện tốt các vấn đề trên sẽ góp phần phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù sau khi Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết để góp phần phát triển thành phố Cần Thơ nói riêng, các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Tăng cường tính kết nối, gắn kết các trung tâm logistics

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chỉ rõ, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự xâm nhập mặn và đất bị ô nhiễm. Theo Quyết định số 4/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, thành phố Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện đề án trong giai đoạn 1 (2021 - 2025). Để Cần Thơ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong trong cải tạo, nâng cấp và phát triển đô thị, góp phần từng bước kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất theo các tiêu chuẩn quốc tế thì nguồn lực đầu tư của thành phố phải đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã áp dụng tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương khác. Qua đó, thể hiện vai trò trung tâm vùng của Cần Thơ, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong vùng.

Cơ bản nhất trí với quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 hecta theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định”, đại biểu cho rằng, quy định này sẽ tăng quyền chủ động của chính quyền địa phương, tăng diện tích từ đất trồng lúa sang dịch vụ thương mại theo yêu cầu phát triển của thành phố. Việc đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp sẽ tăng thu ngân sách bền vững cho Cần Thơ như các thành phố trực thuộc Trung ương khác đó là TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng (do thu ngân sách hàng năm của địa phương này còn quá thấp so với yêu cầu là trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long). Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Đối với luồng hàng hải Định An - Sông Hậu nối từ Định An (Trà Vinh) qua Đại Ngãi (Sóc Trăng), thành phố Cần Thơ, thành phố Long Xuyên đến Châu Đốc (An Giang) có chiều dài toàn tuyến 234,7km, theo đại biểu, dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu do Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư được thông luồng năm 2017. Tuy nhiên, tàu lớn rất khó chạy vào luồng tàu mới này, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải; năng lực vận tải biển bị hạn chế so với tiềm năng, đa phần hàng hóa ở miền Tây xuất, nhập khẩu vẫn qua các cảng ở Đông Nam Bộ như: Sài Gòn, Thị Vải, Cái Mép… Nguyên nhân chính do luồng Định An và luồng Quan Chánh Bố tỷ lệ bồi lấp rất lớn, tỷ lệ bùn trong cát khai thác tại luồng hàng hải Định An - Sông Hậu là tương đối cao. Đây là dự án nạo vét liên quan đến nhiều địa phương. Do đó, đại biểu cho rằng, chính sách đặc thù cần tính toán áp dụng đầu tư cho cả tuyến chứ không riêng thành phố Cần Thơ, vì nếu không sẽ gây lãng phí rất lớn.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, hiện nay, sản xuất nông sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có công nghệ sau thu hoạch; kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống logistics vẫn chưa đồng bộ; giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước láng giềng… và đang dần mất đi những lợi thế phát triển về nông nghiệp. Lý do là phần lớn các hộ nông dân chỉ tập trung vào khâu sản xuất, không có kho dự trữ lớn, vốn đầu tư ít, dễ bị các thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi ro, luôn trong tình trạng “được mùa, rớt giá”. Do đó, việc đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ với ưu đãi đặc thù, vượt trội là cần thiết và cấp bách để tận dụng các cơ hội về cắt giảm thuế của các thị trường trong các Hiệp định thương mại; tăng cường tính kết nối, đồng bộ, gắn kết với các trung tâm logistics theo quy hoạch để phát triển bền vững kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phan Phương (TTXVN)
Thông cáo báo chí số 2, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Thông cáo báo chí số 2, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Thứ Năm, ngày 6/1/2022, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai để thảo luận ở Tổ về những nội dung sau:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN