Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong những ngày qua, các tỉnh miền Trung đã hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử, đặc biệt là tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong vòng 6 ngày, lượng mưa trên địa bàn tỉnh bình quân 2.000 mm, có điểm gần 3.000 mm - đây là một mức mưa kỷ lục. Chính lượng mưa lớn trên toàn vùng đã gây ngập lụt sâu rộng trên toàn bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế, làm thiệt hại nặng nề về con người và tài sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tập trung toàn lực lượng để tăng cường cứu hộ cứu nạn những người dân bị mất tích; tập trung ứng phó, cứu trợ ở vùng thấp trũng, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu lương thực, nước uống; sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân trong thời gian tới.
Từ 6 - 13/10/2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có lượng mưa trung bình từ 1.600 - 2.200mm, riêng tại Bạch Mã có lượng mưa đột biến đến 2.900mm, tương đương với tổng lượng mưa trong đợt lũ lịch sử đầu tháng 11/1999. Với lượng mưa đó, tổng lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Hương khoảng 3,7 tỷ m3; trong đó các hồ chứa giữ lại khoảng gần 1 tỷ m3, tổng lượng về hạ du khoảng 2,7 tỷ m3. Kết hợp lượng nước tại đồng bằng khoảng 1,4 tỷ m3, vùng đồng bằng đã tải khoảng 4,1 tỷ m3. Trong đợt lũ vừa qua, mực nước hồ cao nhất đạt +44,8m (thấp hơn mực nước dâng bình thường +45m, tương ứng dung tích trong hồ W= 416 triệu m3).
Hiện nay, hồ Tả Trạch đang điều tiết về hạ du với lưu lượng chênh lệch so với lưu lượng đến hồ khoảng 300 m3/giây, dự kiến đến cuối ngày 16/10 hạ dần mực nước hồ về 41m để đón đợt mưa do ảnh hưởng của bão số 8 với lượng mưa dự báo từ 500 - 700mm. Với lượng mưa dự báo trên, dự kiến lưu lượng về hồ trong 48 giờ khoảng 1.100 - 1.300 m3/giây, sẽ điều tiết về hạ du khoảng 400 - 500 m3/giây, giữ lại hồ 700 - 800 m3/giây, tương ứng với lượng nước giữ lại khoảng 140 triệu m3, hồ đạt mực nước dâng bình thường +45m. Việc làm tốt công tác vận hành liên hồ chứa góp phần cắt lũ cho địa phương, tránh ngập lụt sâu trên diện rộng.