Trả lời chất vấn đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) về giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, dẫn dắt nền sản xuất trong nước, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay: Năm 2012, Chính phủ có Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này đã tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp có điều kiện phát huy sự tự chủ, thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, đơn vị sự nghiệp thì có nhiều loại hình và mỗi hệ thống lại có một tính chất khác nhau, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP không điều chỉnh được những đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển cho nên khi triển khai gặp rất nhiều vướng mắc.
“Vừa rồi chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng một nghị định riêng cho sự tự chủ của các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng toàn diện, tự chủ về tổ chức bộ máy, về nhiệm vụ, tài chính, quản lý tài sản. Đó là hướng chúng tôi tháo gỡ cho hoạt động của sự nghiệp khoa học công nghệ công lập”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đối với các giải pháp để tăng cường phát minh sáng chế đề tài khoa học, vừa qua trong các văn bản hướng dẫn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức sửa đổi hàng loạt văn bản, hình thành tổ công tác sửa đổi các thông tư nhằm đảm bảo tính thống nhất. Trong đó, có thay đổi cách thức đề tài hướng đến tính thực tiễn để có thể đăng ký phát minh sáng chế. “Bộ cũng có cơ chế hỗ trợ các phát minh thể hiện trong thuyết minh của đề tài. Luật Khoa học và công nghệ sửa đổi vừa rồi cũng đã có hướng đến việc này, cho phép chủ nhiệm đề tài đăng ký các giải pháp phát minh, sáng chế”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Trả lời đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) về các bất cập trong phân bổ kinh phí dành cho lĩnh vực khoa học công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Đây là những vấn đề thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có giải pháp để thời gian tới đảm bảo số nhiệm vụ, số ngân sách, tiền chi cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được tiết kiệm, hiệu quả về số lượng cũng như bố trí phù hợp nguồn kinh phí. Khi thực hiện tái cơ cấu các nhiệm vụ của công nghệ cấp quốc gia giai đoạn năm 2021- 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 19 chương trình khoa học công nghệ với mục tiêu, nội dung dự kiến sản phẩm, yêu cầu đối với các sản phẩm khoa học và các chỉ tiêu đánh giá rất cụ thể. Các nội dung này là cơ sở để hình thành các khung, số lượng cũng như trần của ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
“Theo tôi, đó là giải pháp căn cơ”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định.
Chất vấn giải pháp, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong giải quyết tình trạng xử lý đơn đăng ký bảo hộ quyền sử dụng công nghiệp chậm trễ, đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho rằng, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, thậm chí sẽ dẫn đến những tranh chấp về thương mại. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp “rất bức xúc, than phiền”.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc tồn đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhất là đơn về nhãn hiệu, đơn về sáng chế, cho thấy điều đáng mừng khi kinh tế - xã hội phát triển, các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu sáng chế cao.
Tuy nhiên, khả năng xử lý đơn của đơn vị trực thuộc Bộ chậm do số lượng đơn tăng và cũng là lĩnh vực mới. Hơn nữa, đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, nhất là thủ tục, quy trình tiếp cận của các quốc gia; có sự chậm trễ trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số 3. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa được đẩy mạnh tuyển dụng và đào tạo, dẫn đến việc đơn xin cấp nhãn hiệu và sáng chế ngày càng nhiều cần tập trung giải quyết, khiến chỉ số cải cách hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ thấp…
Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung xử lý đơn, nhất là số tồn đọng, khắc phục tình trạng chậm trễ này. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kết hợp với điều chỉnh các quy trình nhận đơn và xét chọn, phân cấp cho các địa phương và các Sở Khoa học và Công nghệ để chia sẻ khối lượng công việc; đồng thời tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ này. Dự kiến, đến năm 2025-2026 mới giải quyết được tình trạng này, bởi số đơn đang tồn đọng rất nhiều- Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Trần Chí Cường về thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận trách nhiệm về sự chậm trễ như đại biểu nêu và mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ. Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả. Dự kiến đến cuối tháng 6/2023 sẽ làm việc với thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn.