Sáng 5/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về tình hình kinh tế xã hội và triển khai quy hoạch, cơ chế đầu tư trục đường Nhật Tân – Nội Bài. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, năm 2014, kinh tế Hà Nội tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá với mức tăng tổng sản phẩm đạt 8,8% bằng 1,52 lần mức tăng chung của cả nước.
Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, quan trọng trên địa bàn được khánh thành, đưa vào sử dụng như: Đường 5 kéo dài, cầu Đông Trù, Cầu Nhật Tân, Trục Nhật Tân – Nội Bài... Năm 2015, thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ở mức 9 – 9,5%.
Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách ở mức ít nhất là 45% (hiện nay là 42%) trong thời kỳ 2016 – 2020 để thành phố có điều kiện thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội. Thành phố cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Sở Du lịch Hà Nội.
Đối với tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, việc đầu tư phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường là rất cần thiết nhằm tạo động lực thúc đẩy khu vực Bắc Sông Hồng và góp phần phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Hiện thành phố đã lập quy hoạch chi tiết với ý tưởng tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long – Hà Nội: Rồng đón ngọc với xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ Sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, đầu quay về sông Hồng – Hồ Tây.
Chiều dài quy hoạch sử dụng đất cả tuyến là 11,7 km, tổng diện tích khoảng 2000 ha, nhu cầu đầu tư hạ tầng khung và giải phóng mặt bằng đất sạch khoảng 33.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Theo quy hoạch, tuyến Nhật Tân – Nội Bài sẽ trở thành trục không gian mới của Thủ đô với tính chất trục đường đô thị điển hình, đặc trưng và tạo không gian kiến trúc hiện đại, sinh thái. Điểm nhấn chủ đạo là công trình Tháp tài chính Phương Trạch có chiều cao 108 tầng.
Do yêu cầu cần triển khai tiến độ nhanh, Thành phố đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, ủy quyền cho Hà Nội chủ động phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án hạ tầng khung và các dự án phát triển đô thị.
Góp ý với Hà Nội, đại diện các bộ, ngành Trung ương cơ bản đồng tình với đề xuất của lãnh đạo thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch và thực hiện các công trình, dự án trục Nhật Tân – Nội Bài.
Các thành viên Chính phủ cũng đề nghị Hà Nội chủ động triển khai thu hồi đất, kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư; thực hiện triệt để các quy hoạch phân khu; giám sát chặt chẽ tiến trình đền bù, thu hồi đất, để dự án triển khai đúng tiến độ và quy định của pháp luật.
Các ý kiến cũng đề nghị Hà Nội gắn trách nhiệm của nhà đầu tư đối với việc xây dựng và quản lý đô thị sau đầu tư, để đảm bảo hiệu quả tổng thể của dự án.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những thành tựu của Hà Nội trong thời gian qua, nhất là từ khi mở rộng địa giới là tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đây là nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Cho ý kiến đối với đề xuất của thành phố về việc ban hành cơ chế đặc thù thực hiện quy hoạch và cơ chế chính sách thu hút đầu tư trục Nhật Tân – Nội Bài, Thủ tướng cơ bản tán thành; đồng thời nhấn mạnh, nội dung các cơ chế đặc thù phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem Mô hình chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
“Chính phủ đồng ý với đề xuất phát triển đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài này của thành phố; Hà Nội cần tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, sớm hoàn thiện, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng gợi ý đặt tên khu đô thị dọc tuyến Nhật Tân - Nội Bài theo hướng gắn bó với địa danh, thực địa. Trong tiến trình lập, triển khai quy hoạch cần chú ý khai thác, tận dụng tốt vị trí đất ven sông Hồng, tạo điểm nhấn cho khu đô thị và thành phố.
Thủ tướng chỉ đạo các thành viên Chính phủ tích cực phối hợp với Hà Nội xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để triển khai quy hoạch và các dự án phát triển đô thị hai bên tuyến đường trên cơ sở quy định của pháp luật. Thủ tướng định hướng, Nhà nước sẽ chủ động đứng ra thu hồi đất, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng theo phương án tái định cư tại chỗ.
Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành phối hợp với Hà Nội tính toán, phân loại các dự án phù hợp với từng loại nguồn vốn: ODA, ngân sách địa phương, linh hoạt trong huy động nguồn lực. Đối với các dự án đô thị, cần phân loại, xác định rõ tiêu chí để lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực phù hợp.
Thủ tướng nhấn mạnh, về giá đất, cần áp dụng nguyên tắc giá thị trường song cũng cần phù hợp đối với mục đích sử dụng của từng dự án để có nguồn thu phục vụ đầu tư. Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội thành lập Ban quản lý khu đô thị hai bên tuyến Nhật Tân – Nội Bài để giám sát, đảm bảo đầu tư đúng quy hoạch.
Tán thành với những mục tiêu kinh tế xã hội 2015 mà lãnh đạo Hà Nội đặt ra, đồng ý với đề xuất thành lập Sở Du lịch Hà Nội, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền Hà Nội phát huy thành tựu đạt được, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch 2015, triển khai thành công đại hội Đảng bộ các cấp, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển, xứng đáng là trái tim cả nước.
Quang Vũ (TTXVN)