Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là đảo lớn nhất và đông nhất của nước ta, với diện tích 589 km², dân số hơn 100.000 người. Quy hoạch phát triển đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế hành chính trực thuộc Trung ương; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực.
Tập trung nguồn lực cho “đảo ngọc”
Những năm qua, tỉnh Kiên Giang huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, với nhiều dự án công trình đã và đang triển khai thực hiện ở Phú Quốc. Từ nguồn trái phiếu Chính phủ, Cảng biển quốc tế An Thới, vốn đầu tư 150 tỷ đồng hiện nay đã xây dựng xong phần cầu cảng và đang đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện các hạng mục phụ trên bờ để đưa vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế biển - đảo. Đường vòng quanh đảo và đường trục chính Bắc - Nam đảo, tổng chiều dài hơn 200 km, vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, đến nay đã thi công xây dựng hơn 82 km, gồm các tuyến: Dương Đông - Cửa Cạn, Dương Đông - Cửa Lấp, Cửa Cạn - Gành Dầu, Dương Đông - Suối Cái - Bãi Thơm, Dương Đông - An Thới, vốn đầu tư 4.455 tỷ đồng. Hệ thống giao thông đường bộ trọng yếu này khi hoàn thành kết hợp với Cảng hàng không quốc tế tạo cho Phú Quốc bộ mặt đô thị hiện đại.
Tuyến đường Dương Đông - An Thới được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc xây dựng tại xã Dương Tơ, khởi công tháng 11/2008, diện tích 905 ha. Ngày 15/12/2012, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc khánh thành giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Đây là một trong những động lực quan trọng tạo đà cho Phú Quốc “bay lên”, phát triển hòn đảo ngọc này trở thành đặc khu kinh tế của đất nước. Rồi đây, những sản phẩm đặc sản, đặc trưng nổi tiếng của Phú Quốc như: nước mắm, hồ tiêu, ngọc trai, rượu sim, thủy sản... đến với khách hàng nhanh hơn để đổi lấy ngoại tệ về làm giàu cho Phú Quốc. Đặc biệt, khách du lịch có điều kiện thuận lợi, dễ dàng đến với Phú Quốc để khám phá bao điều bí ẩn, kỳ thú đang ẩn mình nơi hòn đảo ngọc. Các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước chinh phục, đầu tư khai thác, biến Phú Quốc thành “đất vàng, đất ngọc” như đúng tên gọi: Phú Quốc.
Ngoài Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, dự án cáp ngầm 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc xuyên biển dài 55,8 km, công suất truyền tải 131 MVA, tổng vốn đầu tư 2.336 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới và vốn Tổng công ty Điện lực miền Nam dự kiến khởi công vào quý II/2013 và hoàn thành cuối năm 2014 đưa lưới điện quốc gia ra đảo. Dự án Nhà máy nhiệt điện Phú Quốc 200 MW xây dựng tại xã Gành Dầu, dự kiến đầu tư 2 giai đoạn 2015 - 2020 và sau năm 2020. Phú Quốc còn đang nâng cấp hồ nước và hệ thống cấp nước Dương Đông từ 5.000 m³/ngày lên 16.500 m³/ngày, với vốn đầu tư 12,87 triệu USD từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới và vốn ngân sách đối ứng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015.
“Điểm nhấn” du lịch
Phú Quốc có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía bắc đến phía nam và mang trên mình 99 ngọn núi, với dãy rừng nguyên sinh trùng điệp một màu xanh ngút mắt ẩn chứa bao điều kỳ thú, bí ẩn khó mà chinh phục, khám phá hết được. Chính vì thế đã tạo cho hòn đảo ngọc này bức tranh “sơn thủy hữu tình”, tiềm năng du lịch dồi dào, phong phú hấp dẫn du khách thập phương.
Những ai chưa biết Phú Quốc đều mong ước một lần đặt chân đến hòn đảo ngọc để thưởng thức những sản phẩm du lịch ở đây như: tắm biển, tắm suối, leo núi, nghỉ dưỡng, ngắm nhìn thắng cảnh thiên nhiên trong mối giao hòa giữa biển - trời - mây - nước - núi rừng. Sản phẩm du lịch ở đây còn gắn kết với nhiều loại hình tìm hiểu các di tích lịch sử - văn hóa, lịch sử - cách mạng, đời sống phong tục, tập quán cư dân xứ đảo, những làng chài, làng nghề truyền thống, nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên và đặc biệt là tham quan di tích lịch sử nhà tù Cây Dừa - một biểu tượng đẹp đẽ, sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của đất Nam bộ thành đồng. Những địa danh như: Dương Đông, Dương Tơ, An Thới, Hàm Ninh, bãi Vòng, bãi Khem, bãi Sao, Gành Dầu, Cửa Cạn, suối Tranh, suối Đá Bàn... luôn đọng lại trong lòng du khách khi chia tay Phú Quốc và hẹn ngày trở lại. Phía nam đảo có 12 hòn đảo nhỏ to khác nhau thuộc quần đảo An Thới và phía bắc đảo, với hòn Móng Tay, hòn Đồi Mồi... là những nơi lý tưởng cho các hoạt động du thuyền, câu cá, lặn ngắm san hô, dã ngoại, khám phá đảo hoang.
Nước mắm Phú Quốc được ngâm ủ trong những thùng gỗ bời lời. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020 theo Quyết định 178/2004/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kiên Giang quy hoạch chi tiết 22 khu du lịch, với tổng diện tích 5.172,5 ha, trong đó có 11 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch hỗn hợp, 2 khu phức hợp Bãi Trường, 3 khu du lịch ngoài chức năng khác và 4 sân golf. Tỉnh tăng cường quảng bá du lịch Phú Quốc, giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng du lịch, các đề án quy hoạch, dự án thu hút đầu tư, các cơ chế chính sách ưu đãi đã thu hút 145 dự án phát triển du lịch và 480 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, tổng vốn đăng ký 915 tỷ đồng. Trong số các dự án nói trên, hiện có 9 dự án đi vào hoạt động. Các cơ sở kinh doanh, hoạt động du lịch trên đảo Phú Quốc được đầu tư xây dựng khang trang, với 100 nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ có khả năng phục vụ 2.500 khách lưu trú/ngày.
Ông Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc cho biết: “Huyện đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh về tài nguyên du lịch, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái; hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch kết nối với các tỉnh, vùng, miền và các tỉnh giáp biên của Campuchia, Thái Lan. Sân bay quốc tế Phú Quốc đã chính thức đưa vào khai thác kết hợp với nhiều yếu tố nội lực khác của đảo sẽ tạo sức bật cho du lịch Phú Quốc phát triển và hòn đảo ngọc này gần hơn với thế giới”. Thực tế, Phú Quốc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm đặc thù như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, biển, đảo. Các loại hình câu cá ban ngày, câu mực ban đêm, lặn biển ngắm san hô phát triển mạnh, với hơn 100 tàu phục vụ du khách. Du lịch kết hợp với tổ chức hội nghị, hội thảo, du lịch Mice được chú trọng và đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo cấp tỉnh, khu vực, quốc gia, quốc tế tại Phú Quốc, thu hút nhiều khách du lịch. Những đặc sản đặc trưng của đảo như: nước mắm, hồ tiêu, rượu sim, ngọc trai, chó Phú Quốc... không ngừng nâng cao chất lượng, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, hấp dẫn du khách. Từ năm 2005 đến nay, khách du lịch tăng bình quân 13%/năm. Năm 2012, Phú Quốc đón hơn 362.200 lượt khách du lịch, tăng gần 3 lần so với năm 2004, trong đó đón gần 97.000 lượt khách quốc tế, tăng 3,37% so với năm 2011; doanh thu du lịch là 910 tỷ đồng.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 633/QĐ - TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Trong đó, xây dựng Phú Quốc trở thành một thành phố biển đảo, trung tâm du lịch, dịch vụ cao cấp và khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Phú Quốc xây dựng các điểm du lịch đặc trưng, gồm: điểm tham quan khu tưởng niệm nhà tù Phú Quốc, Suối Tranh, Suối Tiên, Suối Đá Bàn, Suối Lớn, Núi Chúa, Núi Ra Đa, núi Điện Tiên, Núi Ông Phụng, Trâu Nằm, Gành Dầu, hồ Cửa Cạn, sông Rạch Tràm, sông Rạch Đầm, sông Dương Đông và nhiều điểm du lịch làng nghề, làng chài truyền thống. Đồng thời, Phú Quốc cũng xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, du lịch sinh thái thân thiện với môi trường tự nhiên. Ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực để phát triển các dự án du lịch chất lượng cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Đầu tư xây dựng các tuyến, điểm du lịch kết nối tua với các tỉnh lân cận, các nước trong khu vực và thế giới.
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện nhanh, nhằm mục tiêu phát triển hòn đảo ngọc này trở thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020. Đối với các quy hoạch phát triển ngành du lịch, kiến nghị tập trung rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép địa phương cơ chế linh động phù hợp theo tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của Phú Quốc.
Lê Huy Hải