Sau một thời gian thực hiện, tình hình kinh tế chính trị và xã hội đất nước đã có nhiều chuyển biến, nhiều văn bản, thủ tục phiền hà được bãi bỏ tạo sự tin tưởng của doanh nghiệp và nhân dân về một Chính phủ hành động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2017. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV mới đây, một lần nữa, tinh thần cải cách hành chính để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế lại được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với quyết tâm kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi để “môi trường kinh doanh của nước ta không chỉ dẫn đầu khu vực ASEAN, mà còn vươn lên nhóm các quốc gia phát triển”.
Đột phá về cải cách hành chính Cải cách hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay được triển khai với 6 nội dung. Đó là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong đó, cải cách các thủ tục liên quan đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đã được Đảng và Nhà nước ta coi là khâu đột phá của cải cách hành chính.
Theo chủ trương đó và dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các chính quyền địa phương, hệ thống thủ tục đã được đổi mới một bước, góp phần hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.
Cùng với việc tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và sau hàng loạt giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Trong những chỉ đạo đó, đáng chú ý nhất là việc Chính phủ công bố Bộ Thủ tục hành chính một cách minh bạch từ Trung ương tới địa phương theo kết quả của Đề án 30 và việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước.
Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và gần đây nhất là Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với quy trình cải cách hành chính.
“Ngọn lửa” cải cách hành chính cũng được “thổi bùng” lên khi Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia trực thuộc Văn phòng Chính phủ và khẳng định sẽ loại bỏ khỏi bộ máy hành chính những cán bộ không chịu cải cách. Với việc kiểm tra giám sát ráo riết của Tổ công tác của Thủ tướng, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến rõ rệt. Các bộ ngành đã thực sự "xắn tay" vào cuộc để đơn giản hoá, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Các cuộc đối thoại, rà soát những cản trở kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đã được tổ chức từ Trung ương đến địa phương.
Công Thương là Bộ đi đầu trong phương án cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương được các đơn vị thuộc bộ này đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo bày tỏ, những giấy phép con được Bộ Công Thương cắt giảm sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và Kangaroo nói riêng giảm được rất nhiều các khoản chi phí, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và đặc biệt là người dân sẽ được hưởng lợi, giá thành sản phẩm sẽ giảm xuống.
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ chia sẻ, một số doanh nghiệp cho biết đã thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính từ những giải pháp rất cụ thể của các Nghị quyết của Chính phủ. Cụ thể như “kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng”. Hay “giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ”.
Các tỉnh, thành phố cũng đã thực sự vào cuộc tích cực, hưởng ứng cùng Chính phủ. Việc thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP là một tiến bộ đáng ghi nhận.
Trên thực tế, cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt, một số thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP yêu cầu và địa phương cam kết. Chẳng hạn như về thời gian thành lập doanh nghiệp, hiện nay đa số các tỉnh là 2 ngày (giảm 1 ngày so với cam kết).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, cải cách hành chính đã đạt một số kết quả tích cực, giúp người dân “bớt khổ” hơn, doanh nghiệp “bớt phiền hà” hơn. Nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ đã được doanh nghiệp và người dân hoan nghênh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó, nhiều nội dung cải cách hành chính đã được công khai, minh bạch hóa, cơ chế một cửa - một cửa liên thông, trung tâm hành chính, xúc tiến đầu tư ở nhiều địa phương đã được triển khai. Qua đó, giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí do thủ tục hành chính.
Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đến nay, Chính phủ đã ban hành 14 nghị quyết về cải cách hành chính, đồng thời triển khai nhiều giải pháp như: cấp số định danh cá nhân, tiến tới bỏ sổ hộ khẩu giấy, xây dựng cổng thông tin tiếp nhận phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người dân...
Các bộ ngành và các địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính. Đồng thời, Chính phủ đã tập trung chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, về nguyên tắc không quá một lần/năm. Cùng với đó, công khai chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và khắc phục một bước tình trạng thiếu kỷ luật kỷ cương, "nói không đi đôi với làm"....
Giải quyết các “điểm nghẽn” Mặc dù đã đạt được hiệu quả khá tích cực, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, người dân và doanh nghiệp còn “kêu ca” cơ quan hành chính Nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính vẫn rườm rà, rắc rối kéo dài. Tiếng “kêu” này gặp ở nhiều cơ quan khác nhau, một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng bày tỏ lo lắng trước hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, sách nhiễu, chưa sát dân, chưa gần dân, chưa kịp thời giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân. Do đó, theo Thủ tướng phải tiếp tục thực hiện kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân. Cả bộ máy phải đồng lòng vì nhân dân, để dân tin.
"Việc quan trọng trong điều hành hiện nay là giải quyết các “điểm nghẽn” về hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, chính sách; phải phát huy mạnh mẽ tiềm năng đất nước", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.