Trong phiên họp sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Trước khi biểu quyết thông qua Luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 16, Điều 85 và toàn văn Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Kết quả cụ thể như sau: Về biểu quyết thông qua Điều 16: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 453 (bằng 93.60% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 446 (bằng 92.15%); Số đại biểu không đồng ý: 3 (bằng 0.62%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 4 (bằng 0.83%). Về biểu quyết thông qua Điều 85: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 452 (bằng 93.39% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 428 (bằng 88.43%); Số đại biểu không đồng ý: 16 (bằng 3.31%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 8 (bằng 1.65%).
Về biểu quyết thông qua toàn văn Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 453 (bằng 93.60% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 442 (bằng 91.32%); Số đại biểu không đồng ý: 7 (bằng 1.45%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 4 (bằng 0.83%). Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 17, Điều 34 và toàn văn Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Kết quả cụ thể như sau: Về biểu quyết thông qua Điều 17: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 454 (bằng 93.80% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 446 (bằng 92.15%); Số đại biểu không đồng ý: 5 (bằng 1.03%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 3 (bằng 0.62%).
Về biểu quyết thông qua Điều 34: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 451 (bằng 93.18% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 436 (bằng 90.08%); Số đại biểu không đồng ý: 10 (bằng 2.07%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 5 (bằng 1.03%).
Về biểu quyết thông qua toàn văn Luật Đầu tư công (sửa đổi): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 450 (bằng 92.98% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 439 (bằng 90.70%); Số đại biểu không đồng ý: 7 (bằng 1.45%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 4 (bằng 0.83%). Như vậy, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Trong quá trình thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu ý kiến và 04 đại biểu tranh luận. Đa số đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng việc sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 là cần thiết, góp phần thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung cụ thể sau: Về phạm vi điều chỉnh của Luật; Chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ; Việc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn; Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ; Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ; Thẩm quyền thành lập đơn vị Dân quân tự vệ trong doanh nghiệp; Tổ chức Tự vệ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; Đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã; Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ Dân quân tự vệ trong thời bình; Đối tượng được miễn, tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân dân tự vệ; Hình thức kỷ luật Dân quân tự vệ…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc. Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 5, Điều 14 và toàn văn Luật Kiến trúc. Kết quả cụ thể như sau: Về biểu quyết thông qua Điều 5: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 446 (bằng 92.15% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 429 (bằng 88.64 %); Số đại biểu không đồng ý: 10 (bằng 2.07%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 07 (bằng 1.45%).
Về biểu quyết thông qua Điều 14: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 442 (bằng 91.32% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 430 (bằng 88.84 %); Số đại biểu không đồng ý: 07 (bằng 1.45 %); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 05 (bằng 1.03 %). Về biểu quyết thông qua toàn bộ Luật Kiến trúc: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 442 (bằng 91.32% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 429 (bằng 88.64%); Số đại biểu không đồng ý: 07 (bằng 1.45 %); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 06 (bằng 1.24%).
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng việc sửa đổi Luật Chứng khoán hiện hành là cần thiết, góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng, phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhất là cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế; khắc phục những tồn tại, khó khăn của Luật Chứng khoán hiện hành, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của dự án Luật: Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; Về chính sách phát triển thị trường chứng khoán; Về chào bán chứng khoán (gồm chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp); Về vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Về mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán; Về giao dịch chứng khoán, đăng ký lưu ký và bù trù chứng khoán; Về quản trị công ty chứng khoán; Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài; Về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; Về thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Thứ sáu, ngày 14/6: Trong phiên họp sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết chung của kỳ họp. Sau đó, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp.