Thông tấn xã Giải phóng - Trang sử vẻ vang, anh dũng - Bài 2: Xung kích trên mặt trận thông tin

Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt (1960–1975), Thông tấn xã Giải phóng đã phải thay đổi căn cứ hàng chục lần, tuy nhiên luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam.

Ở đâu có trận đánh, ở đó phóng viên Thông tấn xã Giải phóng

Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn – Gia Định… đều luôn nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước mà còn giúp Trung ương cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.

Chú thích ảnh
Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Nguyễn Đức Giáp (ngồi sau) cùng đồng nghiệp trên đường tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh tư liệu: TTXVN

Không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng. Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó Thông tấn xã Giải phóng có mặt. Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng đẫm tính thời sự, thông tin kịp thời thành tích quân dân ta bẻ gãy kế hoạch Staley–Taylor, chiến thắng lớn tại Ấp Bắc (1963), chiến công vang dội trong trận Bình Giã (1964), tình hình chiến sự và những thắng lợi dồn dập trên chiến trường trong các đợt phản công chiến lược mùa khô của Mỹ ngụy lần 1 (1965–1966), cuộc phản công chiến lược mùa khô lần 2 (1966–1967) và đặc biệt là cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân (19) đánh vào Sài Gòn và các đô thị miền Nam.

Thông tin về Chiến dịch xuân – hè năm 1972 (quân ta phối hợp 3 hướng chiến lược: Đông Nam Bộ, Trị Thiên và Tây Nguyên), và về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc do Thông tấn xã Giải phóng thực hiện đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi trên chiến trường khác và trên các bàn đàm phán.

Hình ảnh phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tác nghiệp trong mưa bom, lửa đạn trên chiến trường để có ngay những dòng tin nóng, những bức ảnh còn nhuốm mùi thuốc súng không còn xa lạ với những người tham gia các trận đánh cũng như các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Trong Chiến dịch mùa khô lần thứ nhất (1965–1966), Thông tấn xã Giải phóng cử phóng viên đi các chiến dịch Cần Đâm, Cần Lê, Đường 13, đưa tin nhanh chóng về diễn biến trên các chiến trường. Tin của Thông tấn xã Giải phóng nhiều khi đưa trước cả tin của các hãng phương Tây.

Trong chiến dịch mùa khô lần thứ hai (1966–1967), phóng viên Thông tấn xã Giải phóng bám sát các đơn vị chủ lực của ta, đưa tin nhanh chóng, kịp thời về cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở các chiến trường Đông Nam Bộ như các chiến dịch Attleboro, Cedar Falls…

Năm 1965, khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào chiến trường miền Nam, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành một trong những tuyến đầu chống Mỹ ác liệt nhất. Những tên đất, tên làng vùng chiến khu xưa như: Đồi tranh dốc Nón, Nước Oa, cầu Chìm, làng Hồi, sông Trà Nô, cầu bà Huỳnh, Tiên – Cẩm – Hà (Quảng Nam); Trà Bồng, Sơn Tây (Quảng Ngãi)... đã đi vào lịch sử. Các trận đánh thắng lớn như Ba Gia – Vạn Tường; Hòn Chiêng, Cấm Dơi, Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức, Bồ Bồ, đặc biệt là chiến thắng Chu Lai, Núi Thành – trận đầu thắng Mỹ, đều được các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ phản ánh kịp thời chuyển về Tổng xã cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước để thông báo cho nhân dân cả nước và thế giới rằng “Việt Nam dám đánh Mỹ và trận đầu tiên đã thắng Mỹ”.

Từ ngày 2/2 đến 15/3/1967, quân Mỹ mở chiến dịch càn quét lớn nhất ở miền Nam mang tên Junction City, với 45.000 quân, hàng ngàn xe tăng, đủ loại pháo hiện đại cùng các loại máy bay phản lực, trực thăng, có sự hỗ trợ của “pháo đài bay” B.52, hòng triệt phá các cơ quan đầu não của Trung ương cục miền Nam. Quân Mỹ tập trung đánh vào khu căn cứ Trung ương cục nằm ở hai bên quốc lộ 22 thuộc vùng Bắc Tây Ninh. Trước sự giáng trả quyết liệt của quân giải phóng, địch đã phải rút lui sau 13 ngày đêm càn quét, bỏ lại chiến trường nhiều xác xe tăng, pháo và máy bay.

Tại căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng, đồng chí Trần Ngọc Đặng đã anh dũng hy sinh sau khi bắn cháy 2 xe bọc thép của Mỹ (gần trảng Cố vấn). Thông tấn xã Giải phóng đã cử một tổ gồm ba phóng viên tin là Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Trọng Linh, Trần Ấm (bút danh Hồng Long) và một phóng viên ảnh là Nguyễn Đặng cùng tổ điện báo do đồng chí Nguyễn Thế Quỳnh làm tổ trưởng đi theo các mũi tiến quân của Quân giải phóng, kịp thời đưa tin thắng trận của quân và dân ta. Có ngày tổ điện báo lên máy 3 lần vẫn chưa phát hết tin, bài. Chỉ riêng tổ điện báo trong chiến dịch này 15 lần bị địch đánh bom.

Tại chiến trường Khu V vô cùng gian khổ ác liệt, dưới mưa bom bão đạn của những trận rải thảm B52, các phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ vẫn kiên cường bám trụ để chụp ảnh, viết tin ghi lại những hình ảnh, sự kiện nóng hổi ở chiến trường, góp phần cổ vũ, động viên kịp thời quân dân Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Những dòng tin, bức ảnh sống động được truyền về Tổng xã đã phản ánh trung thực nhất về sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, những gian khổ, hi sinh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta. Đó chính là những bằng chứng tố cáo với toàn thế giới về tội ác tàn bạo của Mỹ – ngụy gây ra cho đồng bào ta, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè khắp năm châu đối với cuộc kháng chiến đầy gian lao của nhân dân ta.

Qua những đợt tham gia chiến dịch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khen ngợi Thông tấn xã Giải phóng đưa tin “kịp thời, chính xác, góp phần vào chiến thắng”. Đồng chí còn trực tiếp chỉ đạo thông tin và duyệt tin, bài của phóng viên.

Trong cuốn hồi ký “Nơi ấy tôi đã sống”, đồng chí Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi còn ở quân đội là Chỉ huy trưởng trận Núi Thành ngày 26/5/1965 (trận đầu tiên bộ đội ta đánh thắng Mỹ) đã dành 2 trang 111 và 112 nói về việc thực hiện nghiệp vụ của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng:

… Sau trận đánh tôi nhận được điện về Khu báo cáo tình hình. Vừa đến cơ quan Quân khu đóng ở Nước Trắng, Trà My, anh Hai Mạnh (đồng chí Chu Huy Mân) hồi đó là Tư lệnh Quân khu V, cho gọi chúng tôi gặp ngay. Anh Hai ân cần mời chúng tôi uống trà rồi vui vui nói: Các ông giỏi lắm, chúc mừng các ông. Nhưng mình lại nhận được điện khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước khi báo cáo của các ông điện về Quân khu... Sự kỳ lạ là Trung ương cục lại nhanh chóng nhận được tin trận đánh Núi Thành trước cả Quân khu. Sau này mới biết vì có một đồng chí phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đi theo trận đánh đã điện vào Trung ương cục bài tường thuật trận đánh...”.

Chú thích ảnh
Phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Việt Nam Thông tấn xã khóa GP10 trên tàu vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu: TTXVN

Cuối các chiến dịch, Thông tấn xã Giải phóng tăng cường thêm các phóng viên để viết các gương điển hình tiên tiến.

Tháng 6/1967, Thường vụ Trung ương cục yêu cầu vừa đẩy mạnh tiến công địch trong mùa mưa, vừa tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền vận động quần chúng làm cho nhân dân miền Nam nhận rõ thắng lợi to lớn của ta, thế thất bại, suy yếu của địch, kiên quyết thực hiện ba mũi giáp công, đập tan thế hai gọng kìm của địch. Đặc biệt, Trung ương cục yêu cầu Thông tấn xã Giải phóng và các cơ quan thông tin cần hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động để thực sự trở thành nhân tố thúc đẩy kháng chiến, đánh bại các kế hoạch và biện pháp chiến tranh tâm lý của địch, phát động quần chúng thừa thắng xông lên quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ và tay sai, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Sau trận càn Junction City, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tục mở nhiều cuộc tấn công nhằm phá hủy căn cứ của Trung ương cục miền Nam. Thông tấn xã Giải phóng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao dù hai lần phải tạm lánh sang đất Campuchia do sự càn quét điên cuồng của địch.

Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, lực lượng của Thông tấn xã Giải phóng không giảm đi, mà ngày càng lớn mạnh, được tôi luyện, nhất là khối kỹ thuật. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ ở miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng còn nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động bằng việc năm 19 cử báo vụ Vũ Hoàng sang làm việc tại Văn phòng đại diện Thông tấn xã Giải phóng tại thủ đô Phnom Penh để tăng cường công tác đối ngoại.

Bản tin hàng ngày của Văn phòng tại Campuchia được giới báo chí Campuchia và quốc tế hoan nghênh vì tính thời sự và phong phú, phản ánh kịp thời, toàn diện cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam.

Tin bài, ảnh về chiến thắng của các đơn vị chủ lực đánh địch chống càn và các chiến trường trọng điểm được các tổ phóng viên và các điện báo viên của cơ quan cử đi gửi về được chuyển ngay về Hà Nội. Quán triệt khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt” như đã đề cập ở trên, trong bất cứ tình huống nào, cán bộ, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt.

Trong những trận đánh lớn, ngay khi tiếng súng vừa dứt, bộ đội còn trên đường hành quân chưa về tới căn cứ, tin của Thông tấn xã Giải phóng đã kịp được phát đi, cung cấp ngay lập tức cho Đài phát thanh Giải phóng loan tin chiến thắng, làm nức lòng quân dân cả nước.

Bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh về các trận đánh

Trong năm 1974 và đầu năm 1975, Tổng xã Thông tấn xã Giải phóng đã liên tiếp cử hàng loạt tổ phóng viên tin, ảnh, điện báo viên ra chiến trường và tăng cường về các phân xã địa phương. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Thông tấn xã Giải phóng tung ra hai cánh quân lớn cùng với một số phóng viên Việt Nam Thông tấn xã bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh về các trận đánh, về tình hình chiến trường, về các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng…

Lực lượng được tổ chức thành từng nhóm có đủ phóng viên tin, phóng viên ảnh, kỹ thuật viên, điện báo viên để làm tin, phát tin kịp thời mọi lúc, mọi nơi. Nhờ vậy, phóng viên Thông tấn xã là những nhà báo đầu tiên có mặt tại các “địa điểm đánh dấu mốc” ghi lại thắng lợi của cách mạng năm 1975 ở các địa phương. Cùng với những bức ảnh nổi tiếng như “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập” của phóng viên Trần Mai Hưởng (sau này trở thành Tổng giám đốc TTXVN), “Mẹ con ngày gặp mặt” của phóng viên Lâm Hồng Long (sau này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật)… thì nhiều phóng viên khác của Thông tấn xã Giải phóng cũng có nhiều tin, bài, nhiều bức ảnh có giá trị thông tin, lịch sử cao; trong đó có những bức ảnh không chỉ có giá trị báo chí mà còn làm lay động lòng người như bức ảnh “Cầu người” của phóng viên Phạm Văn Thính.

Chú thích ảnh
Phóng viên ảnh Vũ Tạo của TTXVN đã chụp được hình ảnh lịch sử các chiến sĩ Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh Vũ Tạo/TTXVN

Trong những ngày lịch sử này, cùng với hàng loạt tin, bài chuyển theo đường morse, teletype, hàng ngàn tấm ảnh màu và đen trắng được chuyển thẳng về Tổng xã Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội theo đường máy bay và telephoto, không chỉ kịp thời báo cáo với Trung ương và đáp ứng nhu cầu của các cơ quan thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài, hoàn thành vẻ vang trách nhiệm của một hãng thông tấn trong chiến tranh cách mạng.

Lực lượng phóng viên tin, ảnh của Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng đã ở trên tuyến đầu của công tác thông tin, góp phần phản ánh một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngoài thông tin trên chiến trường, nhiều thông tin đặc biệt khác cũng đã được Thông tấn xã Giải phóng phát đi một cách kịp thời, chính xác, trung thực đã có tác động rất lớn đến thời cuộc lúc bấy giờ. Nổi bật như tin về cái chết bất tử của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, tin về phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị miền Nam, tin về Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu…

Thông tấn xã Giải phóng là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và của ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Từ đầu năm 1969 đến ngày 27/1/1973, ngày 4 bên ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, hàng ngày, các phái đoàn đàm phán của ta đều nhận được bản tin của Thông tấn xã Giải phóng được chuyển bằng máy bay từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến thủ đô nước Pháp, phục vụ đắc lực công việc đàm phán.

Phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng cũng có mặt tại Trại Davis để thông tin về hoạt động của Ban liên hợp quân sự bốn bên, chủ yếu là giám sát việc trao trả tù binh và việc rút quân Mỹ theo Hiệp định Paris. Phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã được tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng đã chứng kiến và thông tin sự kiện lịch sử những tên lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam chiều 29/3/1973, đánh dấu chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất nước ta.

Thông tấn xã Giải phóng đã tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế. Cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên mặt trận quân sự, ngoại giao..., đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân 1975.

Bài cuối: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan ngôn luận chính thống

Huy Hùng (TTXVN)
Thông tấn xã Giải phóng -Trang sử vẻ vang, anh dũng - Bài 1: Ra đời và phát triển cùng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc
Thông tấn xã Giải phóng -Trang sử vẻ vang, anh dũng - Bài 1: Ra đời và phát triển cùng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc

Đúng 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), qua chiếc máy phát sóng 15 wat, Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên của mình, đánh dấu sự ra đời và thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, anh dũng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN