Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các Hội nghị cấp cao liên quan. Sau đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan vừa kết thúc, xin Thứ trưởng chia sẻ những nội dung nổi bật của các hội nghị lần này và sự tham gia của Việt Nam?
Có thể nói ASEAN đã có một kỳ hội nghị rất thành công. Các nhà Lãnh đạo đánh giá công tác triển khai năm 2018 với chủ đề “ASEAN tự cường và sáng tạo” đạt nhiều kết quả và thống nhất tiếp tục phát huy tinh thần này trong các năm tới.
Tại các hội nghị, các nhà Lãnh đạo cũng tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến môi trường phát triển và an ninh của khối. Đó là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, sự căng thẳng thương mại giữa một số nước tác động đến khu vực; những thách thức và cơ hội đặt ra bới cách mạng công nghiệp 4.0; một số điểm nóng ở khu vực như: Biển Đông, Bán đảo Triều tiên, tình hình bang Rakhine (Ra-khin) của Myanma; các vấn đề về chống khủng bố, chống thiên tai, an ninh mạng… Các nhà lãnh đạo khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những chuyển động phức tạp, ASEAN càng cần thống nhất tiếng nói chung, tăng cường gắn kết, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương; giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và các tôn chỉ mục đích về bảo vệ hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự tất cả các hoạt động cấp cao bao gồm Phiên toàn thể HNCC ASEAN 33; các HNCC với đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Australia, Ấn độ, ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Cấp cao Đông Á (EAS); HNCC các nước đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP); và ăn trưa làm việc với khách mời của Chủ tịch ASEAN 2018. Tại tất cả các phiên họp, Thủ tướng đều đóng góp ý kiến về các vấn đề được quan tâm chung, nêu các đề xuất cụ thể, thúc đẩy ASEAN tiếp tục xây dựng một khu vực hòa bình, an ninh, dựa trên luật lệ và hướng tới người dân; đề cao đoàn kết ASEAN và xây dựng quan hệ láng giềng của ASEAN với các đối tác bằng lòng tin, giảm thiểu các nguy cơ xung đột, bất đồng. Thủ tướng cũng làm rõ quan điểm lập trường của Việt Nam về Biển Đông và các vấn đề của khu vực và quốc tế.
Kết thúc các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo đã thông qua 63 văn kiện làm nền tảng cho hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong các năm tiếp theo trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội.
Xin ông chia sẻ về quan điểm của các nước đối với kết quả đàm phán RCEP, nhất là những tiến bộ quan trọng đạt được trong năm 2018?
Các nước tham dự hội nghị đều ủng hộ tự do hóa thương mại, chống chủ nghĩa đơn phương, vì vậy đã có nhiều nỗ lực trong đàm phán về Hiệp định RCEP. Mặc dù chưa thể kết thúc đàm phán năm nay nhưng các nhà lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm rất cao, kêu gọi các nước nâng cao ý chí chính trị, dung hòa lợi ích để hoàn thành đàm phán và đi đến ký kết hiệp định này trong năm 2019.
Quyết tâm chính trị và tiến bộ đàm phán RCEP rất có ý nghĩa, như một thông điệp khẳng định ASEAN và các đối tác không ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ mở cửa thương mại trên cơ sở quan tâm đến lợi ích của các nước ở các trình độ phát triển khác nhau. Đây cũng chính là quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, ủng hộ tự do hóa thương mại, tạo điều kiện cho thương mại phát triển, đồng thời cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của các thành viên, trong đó các thành viên phát triển sau cần được hưởng một số ưu đãi để có thể hội nhập tốt với các thành viên phát triển hơn.
Các nước ASEAN đánh giá như thế nào về đề xuất của Trung Quốc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong vòng 3 năm?
Các nhà lãnh đạo ghi nhận những tiến triển tương đối đáng khích lệ trong đàm phán về COC vừa qua. Tuy nhiên, để đàm phán đó phát triển thì vẫn cần có điều kiện và môi trường thuận lợi, và trên thực tế thì chưa có môi trường thực sự thuận lợi trên thực địa. Vẫn còn có nguy cơ có thể xảy ra va chạm mà nếu thực sự xảy ra thì ảnh hưởng rất khôn lường cho an ninh, hòa bình ở khu vực. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan tâm và yêu cầu các bên kiềm chế, không để tình hình xấu hơn trên thực địa, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán về COC.
Từ đầu, cả ASEAN và Trung Quốc đều thấy khó đưa ra một lộ trình cụ thể cho đàm phán COC. Tại hội nghị lần này, lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra mong muốn nỗ lực hoàn tất Văn kiện COC trong 3 năm tới. Tôi nghĩ các bên tham gia đều mong sớm có văn kiện đó, thậm chí sớm hơn 3 năm, nhưng có đạt được hay không còn tùy thuộc vào quá trình đàm phán. Như tôi đã nói ở trên, thương lượng COC cần một môi trường thuận lợi và điều quan trọng nhất là cần đạt được một văn bản COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đóng góp hữu hiệu vào hoà bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và cả khu vực nói chung.
Việt Nam luôn nêu đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy quan điểm đó được thể hiện ra sao tại các hội nghị?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều mà cả khu vực quan tâm, đây là cơ hội để các nước ASEAN nắm bắt các thành tựu của khoa học, công nghệ để vươn lên. Tại các hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục thúc đẩy một số sáng kiến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 và các đề xuất mà Thủ tướng đã đưa ra tại hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN ở Bali, Indonesia (10/2018) đặc biệt là vấn đề kết nối số, chia sẻ dữ liệu, sự cần thiết tạo dựng mặt bằng và nền tảng kỹ thuật số chung của ASEAN để tăng cường kết nối số giữa các nước. Thủ tướng cũng đề nghị xây dựng các cơ chế cảnh báo sớm rủi ro về tài chính, tiền tệ và thương mại để giúp tăng “sức đề kháng” của các nước trước các biến động ở khu vực và thế giới.
Những năm qua chứng kiến liên tục nhiều đối tác đối thoại trở thành đối tác chiến lược của ASEAN, và mới đây nhất, HNCC ASEAN-Nga lần thứ 3 cũng đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai bên lên tầm đối tác chiến lược. Điều này có ý nghĩa như thế nào thưa Thứ trưởng?
Như vậy đến nay, tất cả 8 nước đối thoại tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) đều là đối tác chiến lược của ASEAN. Bên cạnh đó, nhiều nước khác cũng đều coi trọng vai trò của ASEAN và muốn tham gia vào Hiệp định Thân thiện và Hợp tác (TAC), trở thành đối tác của ASEAN. Điều này cho thấy vai trò lớn mạnh của ASEAN trên thực tế đang đóng góp cho khu vực cả về phát triển và hòa bình, ổn định. Các nước nhận thấy sự đóng góp này có tác động chung tích cực nên nhiều đối tác quốc tế đều muốn đẩy mạnh quan hệ với ASEAN, những mối quan hệ đã có thì muốn được nâng cao hơn.
Bên lề các hội nghị lần này, xin Thứ trưởng cho biết các hoạt động tiếp xúc song phương của đoàn Việt Nam đã diễn ra như thế nào?
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có 7 cuộc tiếp xúc song phương và trao đổi bên lề với các nhà lãnh đạo Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Hàn Quốc và Mỹ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia. Các đối tác đều bày tỏ trọng thị vị thế và vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trên thế giới, mong muốn thúc đẩy các mối quan hệ đối tác và hợp tác giữa các nước với Việt Nam lên tầm cao mới. Ta và các nước đã thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, văn hoá-giáo dục, quốc phòng, an ninh, bảo hộ người Việt Nam ở nước ngoài, giải quyết những quan tâm cụ thể của mỗi bên, cũng như hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, các cơ chế đa phương khu vực và toàn cầu.