Theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đối với tổ chức thuộc cơ cấu của các bộ, ngành sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ. Nếu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan thẩm định có vướng mắc thì báo cáo Ban Chỉ đạo cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định. Các bộ, ngành đã gửi thẩm định, sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong thời gian tới. Hiện còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan đề xuất và cơ quan thẩm định, Bộ Nội vụ đang báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Làm rõ thêm, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin, hiện có 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, tính cả hai Đại học Quốc gia (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), tổng số có 32 cơ quan. Trong quá trình rà soát chức năng, nhiệm vụ, phải bảo đảm theo đúng nguyên tắc của Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả); các nghị định của Chính phủ về tiêu chí thành lập tổ chức để bảo đảm tính liên thông, tính hiệu lực, hiệu quả. Tinh giản biên chế phải gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ, đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức.
"Bộ Nội vụ rất tích cực cùng Bộ Tư pháp trình Chính phủ. Trước khi trình Chính phủ, phải báo cáo Thủ tướng và Ban Chỉ đạo. Hai ngày nay, Bộ trưởng Nội vụ đang trực tiếp báo cáo Thủ tướng cùng với các bộ", Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho hay.
Theo Thứ trưởng này, Bộ Nội vụ đang phấn đấu trong quý I/2022 có phương án sắp xếp cục, tổng cục thuộc các bộ, ngành, tuy nhiên, việc "sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, rất phức tạp, vừa làm, vừa phải bảo đảm tính ổn định, tính hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy".
Nói về việc nêu gương của Bộ Nội vụ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng khẳng định, sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết, Bộ Nội vụ rất tích cực rà soát, sắp xếp lại bộ máy bên trong. Trường đào tạo, bồi dưỡng đã được sáp nhập về Học viện Hành chính; các trường của tôn giáo, thi đua cũng có sự sắp xếp lại. Đặc biệt, ở Bộ Nội vụ, cấp phòng trong vụ thuộc Bộ và phòng trong vụ thuộc tổng cục cơ bản không còn. Đầu mối bên trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ giảm 18 đầu mối, trong đó giảm hai đầu mối thuộc Cục Văn thư, lưu trữ Nhà nước; 8 đầu mối thuộc Học viện Hành chính Quốc gia...
"Bộ được Chính phủ giao quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính, đương nhiên phải làm nghiêm túc theo quy định của Đảng, theo đúng pháp luật. Phải quán triệt nguyên tắc một đơn vị, một tổ chức có thể làm nhiều việc. Một việc chỉ giao cho một đơn vị làm đầu mối chủ trì. Bảo đảm sử dụng đội ngũ của chúng ta thực sự hiệu quả", Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, hiện ở Bộ Nội vụ, một số vụ có khối lượng công việc rất nhiều, làm ngày làm đêm, như Vụ Công chức, viên chức; Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Tổ chức phi chính phủ và một số đơn vị khác. Trong quá trình phân cấp, có những đơn vị do khối lượng công việc nhiều, làm ngày, làm đêm không xong, họp giao ban thường bị phê bình chậm tiến độ. Do đó, cần phải rà soát, đánh giá lại để bảo đảm tính liên thông trong công việc, với nguyên tắc một đơn vị được giao nhiều nhiệm vụ và bảo đảm tính hiệu quả sử dụng cao nhất đội ngũ.
"Bộ Nội vụ rất nêu gương trong việc này. Bộ sẽ tổng rà soát, sắp xếp; cố gắng cùng Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ sớm ban hành phương án sắp xếp tổ chức bộ máy", Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.