Chiều 17/4, tại Hà Nội, diễn ra Hội
nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016,
triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng
Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng đã
tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Năm 2016, thiên tai xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm, trên khắp các
vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính
cực đoan, bất thường như: rét hại, băng giá ở các tỉnh Bắc Bộ và hạn hán, xâm
nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã đạt
mức lịch sử. Thiên tai trong năm 2016 đã làm 264 người chết và mất tích.
Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng. Thiệt hại do thiên tai gây ra làm
sản xuất bị đình trệ, sức khỏe dân cư vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng
và là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp bị tăng trưởng âm trong 6 tháng
đầu năm 2016 dẫn đến làm giảm tăng trưởng quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, nếu
không quan tâm lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, đầu tư
xây dựng... sẽ làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai cho xã hội và phải
trả giá lớn cho các hoạt hoạt động này. "
Đối
phó với thiên tai là công việc phức tạp, nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp
đến tính mạng và tài sản, có thể dẫn tới thảm họa. Vì vậy, cần xây dựng lực
lượng chuyên nghiệp, ngoài việc đáp ứng các nhiệm vụ nhanh chóng, kịp
thời, hiệu quả còn hạn chế lực lượng cần huy động và giảm kinh phí
cho công tác phòng chống thiên tai". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn
mạnh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động, kiện toàn bộ máy
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, những bất cập hiện nay của
công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là dự báo còn thiếu chính
xác; có sự bị động, nhiều yếu tố không lường trước được mức độ nặng nề và có sự
chủ quan; phương tiện hạn chế. Bên cạnh đó, việc khai thác cát ở các lòng sông
cũng tác động nghiêm trọng khi xảy ra thiên tai.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, góp
phần phát triển bền vững đất nước, Phó Thủ tướng cho rằng cần bổ sung cơ chế
chính sách để huy động nguồn lực xã hội, dịch vụ công tham gia vào công
tác phòng chống thiên tai; tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế tài để giám sát các hoạt
động của xã hội đảm bảo an toàn hơn trước thiên tai.
Luật phòng chống thiên tai có hiệu lực từ 1/5/2014 mà đến nay vẫn chưa xây
dựng xong Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia do một số địa
phương, bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức xây dựng kế hoạch, phương án phòng
chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; chưa cụ thể hóa được các tình huống, kịch bản
sát thực tế để có phương án ứng phó phù hợp; chưa kịp thời điều chỉnh, cập nhật
các tình huống thiên tai cực đoan; nhất là phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi
chuẩn bị còn mang tính hình thức, nên khi thực tiễn xảy ra thì lúng
túng. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị khẩn trương ban hành kế hoạch
trong năm 2017.
Để có kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia tốt,
Thủ tướng lưu ý không chỉ dựa vào các chuyên gia và nguồn vốn nước ngoài mà
phải biết cách huy động các chuyên gia trong nước, huy động các bộ, ngành, địa
phương cùng chung sức, không chỉ cho kế hoạch này mà còn chuẩn bị cho tổng kết
10 năm thực hiện Luật Đê điều.
Thủ tướng nêu lên 4 ví dụ cho thấy
công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Trong đó có việc một số công trình
thủy điện, giao thông khu dân cư khi đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành còn
thiếu kiểm tra, thiếu giám sát từ khâu lập quy hoạch; chưa quan tâm đến việc
phòng ngừa các tác động thiên tai, làm gia tăng rủi ro khi thiên tai trong
khu vực, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát và sửa đổi công tác quản lý.
Thủ tướng cũng nêu thực tế là
Quỹ phòng chống thiên tai do xã, phường thu, nhưng sau đó nộp về tỉnh,
thành phố, sau đó phường xã lại đi xin như thời bao cấp. Như vậy đã
tạo cơ chế “xin-cho”. Bên cạnh đó, công tác dự báo do chưa đáp ứng
được yêu cầu, nhiều dự báo còn “gây bất ngờ lớn” nên cần nâng cao
chất lượng công tác dự báo.Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch
phát triển ngành, kinh tế - xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ
tướng nêu rõ, Việt Nam là đất nước chịu nhiều thiên tai, “sáng chắn bão giông,
chiều ngăn nắng lửa”. Năm 2016 là năm đặc biệt về thiên tai và nhân tai.
Nhiều thiên tai lịch sử xảy ra gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản và tác
động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Thiên tai đã khiến nhiều người chết, mất
tích và GDP mất đi gần 1%.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đánh
giá cao các cơ quan chức năng và địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và
trách nhiệm. Sau thiên tai, công tác cứu hộ cứu nạn khá kịp thời, giảm thiệt
hại về người và tài sản. Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của lực lượng vũ
trang, công an, quân đội, thanh niên và các đoàn thể xã hội, các tổ chức quốc
tế, góp phần đảm bảo đời sống nhân dân, không để người dân đói cơm, đứt
bữa, “màn trời chiếu đất”. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao
các tổ chức quốc tế đã kịp thời hỗ trợ xử lý những vấn đề sau thiên tai ở Việt
Nam.
Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá
cao một số địa phương đã có mô hình phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
tốt như: Mô hình cải tạo cánh đồng sau thiên tai ở Lào Cai, Quỹ Hỗ trợ phòng
tránh thiên tai miền Trung...
Nhắc đến câu nói “thủy, hỏa, đạo
tặc”, Thủ tướng nhấn mạnh phải coi lũ lụt, cháy nổ như giặc, nhưng nhiều nơi
chưa nhận thức tốt điều này khiến chủ quan trong chỉ đạo điều hành nên thiên
tai xảy ra đã gây thiệt hại lớn.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả
các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai triển khai thực hiện kế hoạch
công tác của Ban Chỉ đạo; chủ động triển khai đối với lĩnh vực được phân công,
trong đó đặc biệt tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra nội dung lồng ghép
phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã
hội của các địa phương và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần giảm nhẹ rủi
ro thiên tai.
"Tổ chức triển khai sâu rộng
việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát
triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là các quy
hoạch, kế hoạch chịu tác động mạnh bởi các thiên tai lớn, phạm vi rộng như bão,
lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn". Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay
việc rà soát công trình phòng chống thiên tai, khu dân cư, vùng kinh tế trọng
điểm, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng hoặc tăng nguy cơ rủi ro thiên tai, công trình
đang thi công để chỉ đạo, xây dựng phương án, bố trí vật tư, nhân lực tổ chức
xử lý đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2017. Chỉ đạo việc đề xuất hỗ trợ
ứng phó khẩn cấp đúng theo quy định của Chính phủ đã ban hành; rà soát, xây
dựng thực hiện kế hoạch di dời dân vùng có nguy cơ cao rủi ro thiên tai; chuyển
đổi sản xuất cho phù hợp với đặc điểm tự nhiên của khu vực và tình hình thiên
tai.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh việc sử
dụng công nghệ để hỗ trợ chỉ đạo điều hành được kịp thời, chính xác và
hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài
sản của nhà nước và nhân dân.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng giao Bộ
Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ưu tiên
nguồn lực phát triển các ứng dụng khoa học vào thực tiễn phòng chống thiên tai,
nhất là lĩnh vực giám sát thiên tai và giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ
biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa
phương rà soát điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt, trong đó cần làm rõ các tình huống điều hành thuộc
trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và các điều kiện đảm bảo để thực hiện
quy trình (các thông tin dự báo, cảnh báo, quan trắc phía thượng lưu, hạ lưu
đập, hệ thống camera giám sát…). Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên
tai chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả thực hiện của các Bộ, ngành
và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.