Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tọa đàm với các Doanh nghiệp Công nghệ thông tin Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa hai nước đang ngày phát triển trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.
Thủ tướng hoan nghênh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam, nhấn mạnh các doanh nghiệp Nhật Bản là những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, hiệu quả cao, là đối tác tin cậy, lâu dài và là những người bạn chân tình của doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, đứng thứ 2 về đầu tư FDI, là đối tác du lịch lớn thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 4. Đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.
Thủ tướng cho biết trong 30 năm qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ phát triển kinh tế khá cao, trên 6%. Thị trường Việt Nam tiệm cận 100 triệu dân với lực lượng lao động trẻ, năng động. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ chiếm 50% dân số vào năm 2035.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã quyết liệt thực hiện cải cách thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng dẫn báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết 90% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu; 63% doanh nghiệp Nhật Bản đã có lãi trong năm 2016; 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đầu tư quan trọng.
Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết đã thống nhất cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng Việt Nam và Nhật Bản đang hướng đến kỷ nguyên mới của quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi diện mạo thế giới, thay đổi phương thức sống, làm việc và phát triển. Trong xu thế mới, Việt Nam đang chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao. Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về nông nghiệp, CNTT, du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
CNTT ở Việt Nam đang phát triển bùng nổ và từng bước thông minh hóa nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Năm 2015, Việt Nam đã nằm trong TOP 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và TOP 30 thế giới về gia công phần mềm.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy tính, máy vi tính, máy ảnh và các loại linh kiện của Việt Nam đã đạt hơn 55 tỷ USD. Việt Nam đang đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di dộng trong 6 nước phát triển nhất khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới và khoảng 52% dân số sử dụng Internet. Việt Nam phấn đấu đến 2020 nằm trong tốp đầu thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nêu rõ định hướng ưu tiên đầu tư hạ tầng thông tin, kết nối số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số…, Thủ tướng kêu gọi và mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tập đoàn Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển con người.
Thủ tướng cũng cho biết việc đi lại giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng thuận lợi. Nếu trước đây, một tuần chỉ có 7 chuyến bay thì năm 2016, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, ANA của Nhật Bản đã tổ chức 70 chuyến/tuần.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ Việt Nam rất vui mừng chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam. Đây là dịp để tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam, mở rộng hoạt động kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhật Bản phát biểu tại cuộc đối thoại đều cho biết đã hoạt động kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và gặt hái thành công; khẳng định sẽ nỗ lực góp sức phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng cho rằng các vấn đề mà nhà đầu tư đề cập như đào tạo nhân lực chất lượng cao, dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải, logistics, bán lẻ… rất thiết thực đối với Việt Nam. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.