Hội nghị là diễn đàn để các thành viên ABPA nhìn lại thực trạng, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất bản, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA nhận định, Hiệp hội đã đáp ứng được các nhu cầu giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên; trở thành một kênh trao đổi thông tin, chia sẻ những chính sách mới của ngành Xuất bản mỗi nước cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Qua đó, các thành viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tùy chỉnh áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ABPA, các hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức đều hướng đến mục tiêu chung, đặc biệt là mục tiêu "duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh; ổn định và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực; nâng cao khả năng tự cường khu vực thông qua đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội".
Các ý kiến thảo luận của đại biểu các nước thành viên ABPA tại hội nghị cho thấy, ngành Xuất bản các nước đã gặp nhiều khó khăn trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; số lượng đầu sách xuất bản, doanh thu của ngành đều có sự sụt giảm khá lớn. Những tác động này được dự báo kéo dài trong cả năm tới. Ngành Xuất bản các nước ABPA đã nỗ lực để vượt qua khó khăn, đa dạng hóa các hoạt động phát triển văn hóa đọc, thành lập trung tâm giao dịch bản quyền, tăng cường hiện diện tại các hội sách quốc tế, tổ chức các giải thưởng sách quốc gia, thúc đẩy sử dụng học liệu điện tử…Trong đó, ngành Xuất bản của một số quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia…có tín hiệu tích cực trong phát triển.
Các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngành Xuất bản gặp không ít khó khăn trước sự cạnh tranh giữa sách và văn hóa đọc với các hình thức nghe nhìn khác, mạng xã hội; trước tình trạng vi phạm bản quyền, đặc biệt thông qua các nền tảng xuyên quốc gia, nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh sách giả, sách lậu. Cùng với các giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc, các nước thành viên đều quyết liệt trong đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền sách.
Cùng chung tay giải quyết các thách thức từ tiễn đặt ra, tại hội nghị, các thành viên ABPA thống nhất với đề xuất của Hội Xuất bản Việt Nam về các nội dung thúc đẩy hợp tác nội khối trong thời gian tới. Đó là tiếp tục nghiên cứu thực hiện sáng kiến “One ASEAN”, thông qua Hiệp hội thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhà xuất bản của các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, thực hiện mục tiêu làm đa dạng bản sắc ASEAN, đưa khu vực thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới. Cùng với đó, Trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA được thành lập nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm bản quyền; tổ chức Giải thưởng sách ASEAN, với Ban Giám khảo (chủ tịch các Hội Xuất bản thành viên ABPA) sẽ cho ý kiến về các nguyên tắc, quy chế và tiêu chí lựa chọn sách viết về chủ đề ASEAN (bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ địa phương kèm bản dịch tiếng Anh); tổ chức Cuộc bình chọn các tác phẩm hay theo chủ đề chung để cùng nhau xuất bản và công bố ở mỗi quốc gia.
Hội nghị đã thống nhất quyết định Hiệp hội Xuất bản Malaysia sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024 - 2025.
Trong khuôn khổ Hội nghị, một số hoạt động được tổ chức: triển lãm sách, trao đổi học thuật. Các thành viên ABPA tham gia các hoạt động tham quan di tích, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống nhà sách tại Thành phố để hiểu hơn về văn hóa và ngành Xuất bản Việt Nam.
Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) là cộng đồng thân thiện, nơi hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của các nhà xuất bản ở khu vực Đông Nam Á và các đối tác trong ngành. Năm 2005, Hội Xuất bản Việt Nam là thành viên đồng sáng lập ABPA.